Bộ Y tế: Truy tận cùng nguồn gốc rượu khiến 5 người ngộ độc

Bộ Y tế: Truy tận cùng nguồn gốc rượu khiến 5 người ngộ độc

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc ngay sau khi nhận được tin từ Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu.

Sau khi uống rượu tại một đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội, vào ngày 21/7, 5 người có biểu hiện mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay run, có người rơi vào tình trạng khó thở. Sau đó, một người đã tử vong, 4 người còn lại được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Ngày 23/7, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu methanol, biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao, nguy cơ tổn thương não.

Đến sáng 24/7, Trung tâm Chống độc tiếp tục tiếp nhận thêm nam bệnh nhân (49 tuổi) ngộ độc cồn methanol sau 3 ngày uống rượu liên tiếp. Khi vào viện, người đàn ông này đã hôn mê. Hiện tại, nam bệnh nhân phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, hàm lượng methanol trong máu cao.

Một người trong nhóm bệnh nhân kể lại mâm cỗ có 5 người uống nhiều rượu nhất đều phải nhập viện. Trong đó, một người đã tử vong trước khi đến cơ sở y tế. Nhóm người này uống cùng nhau 2-3 bữa rượu trong đám cưới, riêng bữa rượu buổi chiều 21/7 là uống nhiều nhất.

“Sau bữa rượu đó, tôi rất mệt nên đã ngủ li bì hơn 2 ngày, không thể dậy nổi. Đến chiều 23/7, khi có biểu hiện quá mệt, buồn nôn, chóng mặt, đau người…, tôi mới lo lắng và bảo vợ đưa đi khám”, nam bệnh nhân nói.

 Bệnh nhân ngộ độc rượu công nghiệp methanol sau khi uống rượu tại đám cưới ở Thường Tín, TP. Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Mai/ Sức Khỏe Đời Sống.
Bệnh nhân ngộ độc rượu công nghiệp methanol sau khi uống rượu tại đám cưới ở Thường Tín, TP. Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Mai/ Sức Khỏe Đời Sống.

Theo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên thông tin kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trong khi đó, với loại rượu thông thường, nồng độ ethanol chỉ có 14%.

Vị chuyên gia cho hay cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương, đặc biệt là tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương não. Tuy nhiên, có trường hợp đã bị tổn thương thần kinh mắt và não nhưng chưa biểu hiện triệu chứng nên không đi thăm khám. Bệnh nhân có triệu chứng mới nhập viện thì đã muộn.

Mắt lúc này có thể đã bị mù hoàn toàn, tổn thương não lớn có thể dẫn đến không qua khỏi. Trong trường hợp bệnh nhân qua khỏi, cũng sẽ để lại những di chứng về thần kinh mắt và não.

Ông cũng lo ngại số lượng người bị ngộ được rượu có thể sẽ nhiều hơn bởi số lượng người đến đám cưới thường rất đông.

“Methanol chuyển hóa từ từ, kín đáo nên có thể bệnh nhân trông có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường nhưng thực tế mắt và não đã bị tổn thương. Để phát hiện sớm thì cần đến bệnh viện để được kiểm tra và làm các xét nghiệm”, TS Nguyên nói.

Ngay khi nhận được thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, về trường hợp ngộ độc methanol sau khi cùng một loại rượu từ Thái Nguyên, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol.

Trong số 5 trường hợp trên, có một trường hợp từ Thái Nguyên và 4 trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên.

Trong công văn gửi Sở Y tế thành phố Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên ngày 24/7, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công Thương tỉnh dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc.

Các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương thành phố điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn. Sở Y tế hai địa phương phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích