Bộ Y tế đề nghị tăng cường hậu kiểm quảng cáo thực phẩm chức năng

Tăng cường công tác hậu kiểm quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm

Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 11/KH-BCĐTƯATTP ngày 03/01/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2025; Công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4/2025 của Bộ Y tế về việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 960/ATTP-NĐTT ngày 6/5/2025 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung sau:

Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan. Thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link,địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm đối với thực phẩm chức năng, sữa giả

Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng: Sở Thông tin truyền thông, Sở Văn hóa địa phương hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử- Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phụ trách mạng xã hội, website, facebook, youtube… Cục Thương mại điện tử – Bộ Công Thương quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.

Thông qua công tác hậu kiểm chặt chẽ và xử lý vi phạm, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng mong muốn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp họ phân biệt được các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng an toàn và chất lượng. Đồng thời, việc công khai các đường link, địa chỉ vi phạm sẽ giúp ngăn ngừa việc mua bán và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe người dân.

Bộ Y tế phối hợp xử phạt người nổi tiếng vi phạm quảng cáo

Thời gian qua, tình trạng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng quy định ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai việc xác minh, thu thập chứng cứ để xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Qua kiểm tra, nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng lớn đã bị phát hiện vi phạm các quy định về quảng cáo, gây hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm.

Mới nhất, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Quang Minh và bà Nguyễn Thanh Vân vì hành vi quảng cáo sai quy định sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27.

Ông Trần Quang Minh bị xác định đã quảng cáo sản phẩm Hiup 27 không đúng nội dung được công bố tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 477/2022/ĐKSP của Sở Y tế Vĩnh Phúc. Đồng thời, ông còn sử dụng tên bác sĩ trong nội dung quảng cáo, vi phạm quy định tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Biện pháp khắc phục yêu cầu ông Minh phải xóa toàn bộ quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin sai lệch, đồng thời chịu chi phí tổ chức thi hành các biện pháp này. Tổng mức phạt là 37,5 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thanh Vân cũng bị xử phạt vì hành vi quảng cáo sản phẩm gây nhầm lẫn về công dụng so với nội dung đã được công bố. Cơ quan chức năng yêu cầu bà xóa nội dung vi phạm, cải chính lại thông tin, và chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc khắc phục hậu quả. Số tiền xử phạt là 70 triệu đồng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các cá nhân, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cần nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

 Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích