Bộ Y tế chỉ đạo khẩn công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg

Trước tình hình dịch bệnh do virus Marburg gây ra đang diễn biến phức tạp ở châu Phi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn về việc chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập vào nước ta.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế cập nhật thông tin về các quốc gia, vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Marburg để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta; thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.

Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg, lưu ý về công tác phòng chống nhiễm khuẩn.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các đơn vị chức năng và địa phương tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Marburg trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam; rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu và cơ quan y tế tại địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm dịch biên giới phòng chống bệnh do virus Marburg xâm nhập.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương; tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg, cũng như rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương.

Giống như Ebola, virus Marburg bắt nguồn từ loài dơi và lây lan giữa người với người qua tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh hoặc các bề mặt, chẳng hạn như ga trải giường nhiễm virus.

Theo các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh Marburg do virus Marburg gây ra là một loại sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể và gây chảy máu.

Nhiễm Marburg virus ở người thường do tiếp xúc lâu dài với phân hay chất tiết của dơi Rousettus trong hầm mỏ. Một khi người bị nhiễm virus có thể lây nhiễm trực tiếp qua đường tiếp xúc trực tiếp (da trầy xước hay niêm mạc) với máu, chất tiết, tạng hay dịch cơ thể ngay cả trên bề mặt hay dụng cụ (quần áo, drap giường) bị lây nhiễm dịch tiết.

Vi rút cũng có nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. Một số báo cáo khoa học cho biết tìm thấy virus Marburg trong tinh dịch sau tận 7 tuần khi người nhiễm bình phục.

Đối với nhân viên y tế thường nếu xuyên tiếp xúc với người nhiễm bệnh mà không có biện pháp kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt thì nguy cơ bị lây bệnh rất cao. Lây nhiễm qua các thiết bị y tế nhiễm bẩn như kim tiêm thường có liên quan tới tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong cao hơn.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết “Chăm sóc hỗ trợ sớm với bù nước và điều trị triệu chứng giúp cải thiện khả năng sống sót”. Đồng thời, WHO cũng cho biết thêm rằng một loạt liệu pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp máu điều trị bệnh đang được phát triển.

Theo CDC, tỷ lệ tử vong do bệnh Marburg dao động từ 23% -90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã gây tử vong 90% trong số 252 người mắc bệnh. Năm ngoái, có 2 trường hợp tử vong do virus Marburg ghi nhận ở Ghana.

 Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích