Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú
(Xây dựng) – Liên quan đến việc phá dỡ công trình tại khu đất số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội, ngày 6/4, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1145/BXD-QHKT gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội theo phản ánh của báo chí.
Công trình tại số 61 phố Trần Phú vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. |
Cụ thể, trong các ngày 04-05/4/2022, các phương tiện thông tin báo chí phản ánh việc phá dỡ công trình tại khu đất số 61 phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Nội dung phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ghi lại sự kiện lịch sử, cách mạng bắn rơi máy bay Mỹ.
Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, Nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, Khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.
Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND Thành phố Hà Nội); nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trước đó, như Báo điện tử Xây dựng thông tin, đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Công trình là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF). Công ty thuê đất của Nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523m2.
Ban đầu, POSTEF dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó POSTEF quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef.
Theo Quyết định 3841/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766m2.
Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè để đỉnh tum thang là 42,9m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.574 tỷ đồng. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings và Công ty Cổ phần Him Lam.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, khu vực này là cảnh quan đặc trưng của khu phố cũ lại gần với quảng trường Ba Đình, ngay trên trục Hùng Vương. Cần thận trọng xem xét đến việc bảo vệ cảnh quan đô thị trong đó có các công trình cổ (dù không có giá trị lịch sử quá cao) để giữ gìn bản sắc khu trung tâm đô thị Hà Nội, cũng như giữ được tỷ lệ hài hòa, vẻ đẹp tổng thể của khu vực. Công trình vẫn có thể giữ gìn được một phần đáng kể vành ngoài mà không ảnh hưởng đến việc phát triển khu đất.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Báo xây dựng