Bộ Xây dựng với 6 điểm nhấn quan trọng trong 9 tháng năm 2024
(Xây dựng) – Ngay từ đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng với nhiều cách làm sáng tạo, chỉ rõ các mục tiêu, công việc ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, các đơn vị trong Bộ chủ động xây dựng kế hoạch năm và tích cực triển khai, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
9 tháng năm 2024, tăng trưởng ngành Xây dựng đạt 7,34%, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay. (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, tăng trưởng ngành Xây dựng đạt 7,34%, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế; các chỉ tiêu khác đều đạt kế hoạch đề ra.
Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế được quan tâm đặc biệt, là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng, trong đó nổi bật là đã được Quốc hội cho ý kiến đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đối với 02 Luật Cấp, thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị; thông qua Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm từ 01/8/2024; trình Chính phủ 05 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Thứ ba, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp, nhờ đó thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Thứ tư, đề xuất nhiều giải pháp để nỗ lực đẩy mạnh Đề án đầu tư ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để chỉ đạo triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc, giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện.
Thứ năm, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, xử lý các vấn đề về phòng cháy chữa cháy.
Thứ sáu, tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, theo đó đẩy nhanh công tác thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại đô thị và sắp xếp các đơn vị hành chính, tăng cường quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Ngành Xây dựng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước nói chung và các vấn đề nội tại của ngành nói riêng. Mặc dù tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công.
Đồng thời, việc đưa Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm từ 01/8/2024 tạo áp lực cao trong việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn; thị trường bất động sản tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc; hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền…
Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đặt ra, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã đề ra các giải pháp quan trọng. Đó là nắm chắc, chủ động nghiên cứu, dự báo chính xác, kịp thời tình hình quốc tế, trong nước và ngành Xây dựng để đề xuất, tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp nhanh, hiệu quả, cụ thể, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn.
Bên cạnh đó, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Các đơn vị thực hiện rà soát việc phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc, đúng sở trường; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, trì trệ, không dám chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ.
Và đổi mới cách thức và thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương, đơn vị liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành.
Nguồn: Báo xây dựng