Bộ Xây dựng triển khai lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tại miền Trung
(Xây dựng) – Để triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 1 vào kỳ họp tháng 5/2023, sáng 7/10, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho 02 dự thảo Luật này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản (BĐS) và nhà ở trong thời gian qua. Trong quá trình thực thi, bên cạnh những đóng góp đã đạt được, gần 10 năm qua đi vào cuộc sống Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, sự chồng chéo với các pháp luật liên quan.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan nhận diện những bất cập và đề xuất những nhóm chính sách. Trên cơ sở những nhóm chính sách này Ban soạn thảo đã dự thảo ra 2 dự thảo gửi lấy ý kiến các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức các hội thảo liên quan tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có tác động lớn đến xã hội và người dân và tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Chính vì thế, Hội thảo lần này mong muốn lắng nghe các ý kiến trực tiếp của các chuyên gia của địa phương đối với 2 Luật này.
Đối với nhóm doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến 2 Luật này, mong rằng các doanh nghiệp có ý kiến đóng góp việc thực thi các chính sách đã rõ ràng chưa, các thủ tục hành chính đã giải quyết được hay chưa, tính đồng bộ đối với các quy định khác với những quy định này đã làm được chưa và ách tắc ở đâu…
Với tinh thần mong muốn được lắng nghe từ thực tiễn của các đại biểu tham dự để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn chỉnh được tốt hơn để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 được tổ chức vào tháng 10/2023, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật liên quan, qua đó tạo được hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tạo được quỹ nhà ở cho người dân.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng dự kiến thể chế hóa 04 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 11 Chương của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với 99 Điều. Trong đó, Chương I: Những quy định chung. Chương II: Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn. Chương III: Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Chương IV: Kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng trong dự án bất động sản. Chương V: Chuyển nhượng dự án bất động sản. Chương VI: Hợp đồng kinh doanh bất động sản. Chương VII: Kinh doanh dịch vụ bất động sản. Chương VIII: Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Chương IX: Điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh. Chương X: Quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản. Chương XI: Điều khoản thi hành.
Hội thảo với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương, Sở Xây dựng các tỉnh miền Trung và các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản và nhà ở. |
Về Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng dự kiến thể chế hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trong 13 Chương của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với khoảng 232 Điều. Chương 1: Những quy định chung. Chương 2: Sở hữu nhà ở. Chương 3: Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Chương 4: Phát triển nhà ở. Chương 5: Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Chương 6: Phát triển nhà ở xã hội. Chương 7: Tài chính cho phát triển nhà ở. Chương 8: Quản lý, sử dụng nhà ở. Chương 9: Quản lý, sử dụng nhà chung cư. Chương 10: Giao dịch về nhà ở. Chương 11: Quản lý nhà nước về nhà ở. Chương 12: Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở. Chương 13: Điều khoản thi hành.
Nguồn: Báo xây dựng