Bộ Xây dựng tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về phát triển đô thị
(Xây dựng) – Triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và hướng tới Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 3 phiên hội thảo chuyên đề vào ngày 16/11.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022. |
Các phiên hội thảo chuyên đề có chủ đề: “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”; “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”; “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”.
Các hội thảo sẽ do các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam; Diễn đàn đô thị Việt Nam và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng đồng chủ trì.
3 hội thảo đã thu hút khoảng 50 bài viết tham luận và các ý kiến đăng ký phát biểu của các diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các hội, hiệp hội, tổng hội, các viện nghiên cứu, trường đại học cũng như các ý kiến của các địa phương.
Hướng tới Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 3 phiên Hội thảo chuyên đề vào ngày 16/11. |
Trong đó, hội thảo chuyên đề 1: “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững” sẽ tập trung đi sâu phân tích, đánh giá và thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW; Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; Các yêu cầu bảo đảm để quy hoạch đô thị được phê duyệt có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; Văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; Kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế đô thị…
Hội thảo sẽ thu nhận được các ý kiến thiết thực và hiệu quả để tháo gỡ những bất cập trong phát triển đô thị, tạo cơ sở để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực phát triển đô thị bền vững. |
Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị” sẽ tập trung phân tích, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị; Đầu tư và mở rộng, nâng cấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các khu vực nghèo, phi chính thức, khu vực có điều kiện hạ tầng hạn chế để góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy hòa nhập đô thị; Các dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị…, cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị cần được thúc đẩy; Việc triển khai hạ tầng số tại các đô thị phù hợp để thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có.
Hội thảo chuyên đề 3: “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị” sẽ tập trung vào sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng để xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị; Các cơ chế chính sách mang tính đột phá tạo đòn bẩy để phát triển đô thị bền vững, Luật quản lý và phát triển đô thị và phạm vi điều chỉnh của công tác quản lý phát triển đô thị, các giải pháp về cơ chế chính sách phát huy vị thế, nguồn lực đổi mới, sáng tạo của đô thị Việt Nam; Các yêu cầu đổi mới tạo cơ chế chính sách phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của địa phương.
Dự kiến, các hội thảo sẽ thu nhận được các ý kiến thiết thực và hiệu quả, gợi mở, tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong phát triển đô thị, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với đặc điểm của các vùng miền, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước.
Bên cạnh đó, các nội dung trao đổi, thảo luận tại các hội thảo cũng sẽ hỗ trợ thiết thực cho các địa phương định hướng, đề xuất các chương trình hành động để nắm bắt thời cơ và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.
Song song với các hội thảo sẽ diễn ra triển lãm trưng bày thành tựu phát triển đô thị tại Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị quyết số 148/NQ–CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW bằng các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết.
Trong đó, một trong những mục tiêu chính là phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị.
Nguồn: Báo xây dựng