Bộ Xây dựng tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm
(Xây dựng) – Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD và Công văn số 5165/BXD-KTXD để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung 250 định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD. (Ảnh minh họa) |
Sửa đổi, bổ sung 250 định mức xây dựng
Tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý chi phí đầu tư xây dựng bảo đảm phù hợp với thực tế và khả thi trong triển khai.
Bộ Xây dựng phải khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu. Bộ Xây dựng cần chủ động phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, địa phương tổ chức xây dựng định mức dự toán đặc thù của chuyên ngành, của địa phương có công nghệ thi công, điều kiện thi công, VLXD mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố chỉ số giá xây dựng, giá VLXD (hàng quý hoặc sớm hơn nếu cần thiết), đơn giá nhân công xây dựng (hàng năm hoặc sớm hơn nếu cần thiết) bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát điều chỉnh, bổ sung định mức dự toán xây dựng để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/08/2021 về ban hành định mức xây dựng.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng đã tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương về những tồn tại, bất cập của định mức đã được ban hành và định mức các công tác xây dựng còn thiếu, chưa được ban hành trong hệ thống định mức xây dựng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số dự án giao thông trọng điểm để thu thập thông tin, số liệu làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung định mức công tác xây dựng quan trọng, cấp thiết của công trình giao thông theo nhiệm vụ được giao tại Công điện số 02/CĐ-TTg.
Thông tư số 09/2024/TT-BXD giúp các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có đầy đủ công cụ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. (Ảnh minh họa) |
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương 2 lần. Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện Thông tư, ngày 30/08/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD.
Tổng cộng có 250 nội dung sửa đổi, bổ sung định mức, bao gồm 194 định mức dự toán xây dựng công trình, 14 định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng, 2 định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ, 40 định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (định mức chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư).
Việc ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD đã kịp thời góp phần hoàn thiện hệ thống công cụ, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có đầy đủ công cụ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Thông tư đã ban hành điều chỉnh, bổ sung định mức chủ yếu cho các công tác xây dựng công trình giao thông, khoảng 110/250 định mức liên quan trực tiếp đến 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không. Một số định mức liên quan đến những công tác quan trọng như đắp đất nền đường bằng máy lu rung 25 tấn theo yêu cầu đầm nén cải tiến; thi công móng cấp phối đá dăm, đá dăm gia cố xi măng; rải thảm mặt đường bê tông nhựa…
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục, chủ động rà soát hệ thống định mức xây dựng đã được ban hành sử dụng chung theo thẩm quyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức rà soát, cập nhật định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, địa phương đáp ứng các yêu cầu về quản lý và thực tiễn.
Xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai khác VLXD theo cơ chế đặc thù
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao hướng dẫn phương pháp xác định giá VLXD tại mỏ đối với các mỏ khoáng sản khai thác làm VLXD thông thường theo cơ chế đặc thù, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4166/BXD-KTXD ngày 15/09/2023, Văn bản số 641/BXD-KTXD ngày 19/02/2024 gửi Bộ Giao thông vận tải, Văn bản số 1338/BXD-KTXD ngày 28/03/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên, việc xác định các chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù còn một số vướng mắc, chưa thống nhất. Một số địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Việc xác định các chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù còn một số vướng mắc, chưa thống nhất. (Ảnh minh họa) |
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 5165/BXD-KTXD về việc hướng dẫn xác định các chi phí có liên quan đến cấp mỏ và khai khác VLXD theo cơ chế đặc thù.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, phân công, phân cấp và quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể, cơ quan, đơn vị; nghiên cứu ban hành đầy đủ các quy định theo thẩm quyền về quản lý khai thác, vận chuyển, sử dụng vật liệu khai thác tại mỏ; quy trình, quy định về đền bù, triển khai, cấp phép khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù.
Các cơ quan chủ quản công trình, dự án cần chỉ đạo các chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu đã được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh đầu cơ, trục lợi gây thất thoát, lãng phí.
Để xác định các khoản mục chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù, các chủ đầu tư dự án và các chủ thể có liên quan phải căn cứ điều kiện cụ thể, tình hình thực tế của từng mỏ, các quy định của pháp luật áp dụng cho dự án/công trình/gói thầu/hợp đồng, quy định của từng địa phương và nội dung các công việc cần triển khai thực hiện; Rà soát, quyết định và chịu trách nhiệm về sự đầy đủ, tính chính xác của các khoản mục chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù trên cơ sở tham khảo danh mục chi phí do Bộ Xây dựng ban hành.
Các chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh đầu cơ, trục lợi gây thất thoát, lãng phí. (Ảnh minh họa) |
Các chủ đầu tư dự án và các chủ thể có liên quan cũng phải rà soát, phân định rõ các khoản mục chi phí liên quan trực tiếp đến khai thác vật liệu, gắn với khối lượng khai thác; Các khoản mục chi phí có tính chất chung liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù.
Các khoản mục chi phí liên quan đến việc tổ chức khai thác vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù được tính toán, xác định trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng (dự toán xây dựng công trình/dự toán gói thầu thi công xây dựng), tương ứng với từng giai đoạn triển khai dự án phù hợp các quy định của pháp luật áp dụng cho dự án, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Căn cứ trình tự thủ tục, quy trình cấp phép khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù của từng địa phương và trách nhiệm được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, có ý kiến (theo đề nghị của chủ đầu tư) đối với các khoản mục chi phí thuộc phạm vi quản lý, hướng dẫn của địa phương.
Trong quá trình xác định chi phí có liên quan, nếu có vướng mắc hoặc chưa rõ, các chủ đầu tư dự án và các chủ thể có liên quan cần phân tích, đánh giá, làm rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý tại địa phương để được hướng dẫn theo thẩm qưyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh và Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện, triển khai các nội dung nêu trên đến các chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan.
UBND cấp tỉnh và Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát trình tự, thủ tục triển khai thực hiện, các khoản mục chi phí có liên quan, nội dung, hồ sơ hợp đồng xây dựng đã ký kết.
Các đơn vị này cũng phải nhận diện, đánh giá những khó khăn, vướng mắc (nếu có) và đề xuất giải pháp khắc phục, kịp thời phản ánh để các cơ quan quản lý tại địa phương hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền, Bộ Xây dựng xem xét, xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương đảm bảo kế hoạch, tiến độ dự án theo yêu cầu.
Nguồn: Báo xây dựng