Bộ Xây dựng: Giá vật liệu xây dựng năm 2022 nhiều biến động
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong nửa đầu năm 2022, giá thép liên tục tăng, ngay trong 6 tháng đầu năm ghi nhận việc điều chỉnh tăng đến 7 lần. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 3/2022, giá thép tăng nóng 6 lần (vượt mức 19 triệu đồng/tấn và tăng khoảng 2,4 triệu đồng/tấn so với cuối năm 2021).
Tuy nhiên, trong 2 tháng tiếp theo, giá thép lại điều chỉnh giảm liên tiếp 7 lần, kéo giá thép trở về mặt bằng các tháng cuối năm 2021 (thời điểm này giá trung bình khoảng 17.000 đồng/kg chưa có thuế VAT). Trong các tháng 7 và tháng 8 giá thép tiếp tục giảm xuống còn 14.500 đồng/kg, giảm tiếp 15% so với mức thấp nhất của tháng 5/2022.
Lý giải giá thép liên tục giảm, Bộ Xây dựng nhận định do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, cùng với đó nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu thị trường.
Vẫn theo đà đi xuống, đến tháng 10/2022, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép tiếp tục diễn biến giảm lần lượt là 16,38% và 29,4% so với cùng kỳ. Giai đoạn này nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, cuộn cán nóng (HCR), thép phế liệu nhập khẩu giảm giá rất mạnh nên giá thép trong nước giảm sâu là điều không tránh khỏi.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá thép vẫn giữ mức ổn định so với thời điểm tháng 10/2022 (trung bình trong khoảng 14.400 đồng/kg – 15.500 đồng/kg tùy khu vực).
Nguyên nhân giá thép giữ ổn định do hàng tồn kho còn khá cao và nhu cầu giảm do thị trường xây dựng, bất động sản trong nước cũng như khu vực đang suy yếu. Trong thời gian ngắn tới, việc “giảm cầu” là yếu tố chính khiến giá thép có thể tiếp tục giảm sâu hơn.
Bên cạnh thị trường thép nhiều biến động, thì từ tháng 3/2022 đến tháng 10/2022, giá xi măng lại cơ bản giữ ổn định với mức giá khoảng 1.200 – 2.900 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 18% so với quý IV/2020. Giá xi măng có xu hướng tăng bình quân 1,45% hàng tháng.
Theo Bộ Xây dựng, từ tháng 11/2022 đến nay, giá xi măng tiếp tục leo cao với mức khoảng 1.400 – 2.500 đồng/kg, do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào cao (đặc biệt là giá than) buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu xi măng lại chậm và suy yếu, ngược lại với giá bán, dẫn đến tình trạng dư nguồn cung gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành Xi măng.
Đối với vật liệu nhựa đường, tính đến tháng 07/2022, vẫn giữ ở mức giá trung bình khoảng 17.000 đồng/kg (tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 30% so với quý IV/2020). Đến tháng 9/2022, giá nhựa đường có giảm khoảng 500 đồng/kg, đưa mức giá trung bình về khoảng 16.500 đồng/kg. Trong các tháng cuối năm này, giá nhựa đường giữ ổn định ở mức này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá nhựa đường so với các năm trước đây do ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu trên thế giới. Việc tăng giá nhựa đường ảnh hưởng không nhỏ đến dự toán xây dựng công trình. Đặc biệt là các công trình giao thông thì đây là loại vật liệu quan trọng để sản xuất bê tông nhựa – công tác có chi phí lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí xây dựng.
Theo Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá vật liệu khai thác tự nhiên (như cát, đá) dùng san lấp trong các dự án cũng có tăng nhẹ. Trong nửa đầu năm 2022, giá cát xây dựng trên cả nước có xu hướng tăng nhưng không có sự biến động bất thường. Mức tăng được ghi nhận bình quân tỷ lệ 1,53% hàng quý; riêng loại cát vàng chuyên dùng để đổ bê tông thì mức giá bán ngoài thị trường dao động khoảng từ 420.000 – 460.000 đồng/m3.
Việc giá cát vàng tăng cao và không có dấu hiệu giảm nguyên nhân chủ yếu do khan hiếm nguồn cung, tình trạng khan hiếm cát không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác.
Nửa cuối năm 2022, giá cát tăng nhẹ (mức tăng 1 – 2%) do nhu cầu thị trường, trung bình từ 435.000 – 465.000 đồng/m3. Như vậy, có thể thấy giá cát năm 2022 cơ bản ổn định, không có diễn biến gì bất thường.
Các loại đá xây dựng thì lại tương đối ổn định, thời điểm nửa cuối năm 2022 giá tại khu vực miền Bắc và miền Trung có xu hướng tăng so với nửa đầu năm 2022 (tăng khoảng 7 – 8%); riêng miền Nam ghi nhận giảm so với nửa đầu năm 2022 (mức giảm trong khoảng 2 – 3%).
Dự báo trong quý I/2023, giá thép có khả năng tiếp tục giảm nhẹ do thị trường giảm cầu. Các loại vật liệu xây dựng khác sẽ tăng nhẹ khi các dự án quan trọng quốc gia khởi công trên diện rộng.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp cùng các Bộ ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và quản lý thị trường vật liệu xây dựng. Tích cực theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, tăng cường việc kiểm soát các địa phương trong công bố giá vật liệu xây dựng./.