Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định sở hữu chung cư có thời hạn

Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định sở hữu chung cư có thời hạn

Tiếp thu giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề nghị bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, cơ quan này cho biết báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng nhận thấy đây là vấn đề nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội và còn những ý kiến chưa thống nhất. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; xử lý nhà chung cư khi chung cư bị phá dỡ).

tm-img-alt
Ảnh: Internet

“Tuy nhiên trong dự thảo Luật sẽ có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay”, Bộ Xây dựng đề xuất.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề “nóng” phải tiếp tục từng bước giải quyết.

Thủ tướng yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.

Theo Thủ tướng, nhiều nội dung của các luật còn những điểm vướng mắc, cho nên chúng ta phải tích cực rà soát, sửa đổi.

“Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, chúng ta phải hết sức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích