Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch phòng, chống tội phạm năm 2024
(Xây dựng) – Ngày 26/4, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2024 của Bộ Xây dựng. Thanh tra Bộ là cơ quan được giao làm đầu mối, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện.
Thông tin, tuyên truyền pháp luật về công tác thanh tra chuyên ngành Xây dựng là một trong những nhiệm vụ quan trọng (ảnh minh họa). |
Mục đích của kế hoạch lần này là tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 -2025 tầm nhìn đến năm 2030 và các Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị cùng Chiến lược, Chương trình, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, thực hiện các Kế hoạch, Nghị quyết, Quy định của Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; về lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra năm 2024 và về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng.
Thông qua Kế hoạch thực hiện sẽ phát huy sức mạng tổng hợp của toàn bộ tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nói chung và tại Bộ Xây dựng nói riêng trong phòng, chống tội phạm. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những hành vi vi phạm. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả những giải pháp giảm tội phạm, đảm bảo các tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được gửi tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung cũng như phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực xây dựng nói riêng.
Nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về xây dựng; khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bộ Xây dựng tăng cường khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi trang thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Nghiên cứu, khai thác các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý xã hội, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống tội phạm; kiềm chế, làm giảm tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự. |
Nguồn: Báo xây dựng