Bỏ việc sau 13 năm cầm phấn, “biến” ngôi làng heo hút thành điểm du lịch cộng đồng

Bỏ việc sau 13 năm cầm phấn, “biến” ngôi làng heo hút thành điểm du lịch cộng đồng

Từng 13 năm đứng bục giảng nhưng anh Hồ Việt quyết định rẽ ngang với quyết định táo bạo biến ngôi làng heo hút thành điểm du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi nổi tiếng.

“Bén duyên” với du lịch cộng đồng

Năm 2020, sau 13 năm gắn bó với nghề giáo, rong ruổi khắp các điểm trường tại Kon Tum, khi cảm thấy bản thân không còn nhiệt huyết với nghề như trước, anh Hồ Việt (quê Đăk Hà, Kon Tum) quyết định xin thôi việc.

Là người năng động, ham học hỏi, yêu đời, yêu thiên nhiên và ham cống hiến, anh tìm về Đăk Hà – nơi anh sinh ra và lớn lên để tìm hiểu về tiềm năng sẵn có của quê hương mình, từ đó anh bén duyên với ngành du lịch.

“Với tôi, nghề giáo trong mỗi tiết dạy phải làm sao để bài giảng sinh động, đầy ắp thông tin, trọn vẹn về cả tình yêu lẫn nhiệt huyết. Khi cảm thấy bớt đi một chút trong số đó, tôi xin nghỉ để làm việc khác, đó là làm nơi này trở nên đẹp hơn”, anh Hồ Việt nói.

Anh-du-lich-cong-dong (2)

Anh Hồ Việt – người xây dựng làng Kon Trang Long Loi thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo (Ảnh: Thu Hiền)

Làng Kon Trang Long Loi nằm cách trung tâm huyện Đăk Hà 3km, nơi đây đa số là người đồng bào Bana với nhiều nét đặc thù riêng về kiến trúc và những giá trị văn hoá truyền thống còn được bảo tồn trong sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, ngôi làng còn được thiên nhiên ưu ái khi hội tụ những lợi thế về các yếu tố thời tiết, đất, hồ, địa hình… Nhận thấy được thế mạnh đó, anh Hồ Việt bắt tay vào làm du lịch cộng đồng.

Bất kì công trình nào dù lớn hay nhỏ cũng không thiếu những bản phác thảo, những ý tưởng chi tiết, tỉ mĩ. Để làm được điều này có lẽ người tạo ra nó phải tốn không ít thời gian. Thế nhưng với anh Hồ Việt, điều đnày không khó.

Bằng chính bàn tay của mình, anh Việt đã biến nơi này từ một vùng đất trống trở thành nàng tiên rũ cánh cởi bỏ lớp bùn hiện lên đẹp như tranh vẽ, thu hút khách du lịch.

Với anh Việt, làm du lịch không chỉ là đam mê, niềm yêu thích mà anh còn xem đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ của bản thân mình. Sau khi xây dựng ý tưởng, lựa chọn màu sắc, phong cách chủ đạo. Để chuyên sâu hơn, anh tìm đến những người cao niên trong làng để hiểu về các phong tục tập quán.

Anh-du-lich-cong-dong (3)

Điểm du lịch cộng đồng Kon Trang Long Lôi nhìn từ trên cao (Ảnh: Vương Trị)

Để xây dựng, tạo hình thù cho điểm du lịch, bên cạnh nguồn vốn huy động và sẵn có, chất liệu để xây dựng nên những mô hình, tiểu cảnh… được anh sử dụng từ vật liệu sẵn có ở địa phương.

Nằm gọn bên hồ thuỷ điện Plei Krông, mỗi mùa lũ, lòng hồ thuỷ điện lại kéo về đầy những loại củi tổng hợp, các nhành cây đủ loại… anh tận dụng vớt lên, sau đó kết hợp, ghép nối chúng lại để tạo ra các mảnh tường, các background để gắn thêm vài ánh đèn mờ thêm phần lung linh.

Điểm nhấn được anh thiết kế là những mảnh vườn hoa, loài hoa chủ đạo được lựa chọn là hoa đỗ mai, sao nhái, hoa gạo, các sắc màu kết hợp, bổ trợ nhau tạo nên một mảnh vườn lung linh sắc màu.

“Không muốn du khách đến thăm thú bởi những ngôi nhà tiền chế, sắc cạnh. Cái tôi hướng đến là cảm giác bình yên, thân thiện. Thay vì ở ngoài kia tiếng động cơ ồn ào thì vào đây chỉ thấy bình yên, có tiếng gió vi vu, tiếng chim hót, hoa cỏ, cây cối…”, anh Hồ Việt chia sẻ.

Du lịch gắn bảo tồn văn hóa

Bên cạnh phục vụ du lịch gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống, anh Việt đã và đang biến điểm du lịch thành nơi tạo thu nhập cho người dân. Người dân tại làng đến điểm du lịch để làm chồi, cành, cải tạo, hỗ trợ xây dựng cảnh quan, các công trình, dịch vụ.

“Mình muốn kéo bà con cùng làm du lịch với mình. Bà con góp sức làm thì sẽ có thu nhập, bà con có kinh tế thì đây cũng là nguồn lực để điểm du lịch ngày càng phát triển” – Anh Việt vui vẻ nói.

Anh-du-lich-cong-dong (8)

Nhà sàn tại vườn hoa Kon Trang Long Loi là điểm check-in mà du khách không thể bỏ lỡ (Ảnh: Thu Hiền)

Chị Y Le – lao động thường xuyên tại điểm du lịch vườn hoa Kon Trang Long Loi cho biết, du lịch cộng đồng đã mang lại việc làm, thu nhập và nhiều niềm vui cho dân làng, nhất là trong những dịp lễ, tết.

“Từ khi có du lịch cộng đồng, bà con có công ăn việc làm. Bà con tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động đón, phục phụ khách du lịch. Các lễ hội, sự kiện có người già, người trẻ, con trai, con gái cũng tham gia rất đầy đủ. Nhờ có thu nhập từ du lịch cộng dồng bà con rất phấn khởi, cuộc sống gia đình đỡ hơn”, chị Y Le phẩn khởi chia sẻ.

Được biết, nhờ nguồn thu từ điểm du lịch anh Việt đã gây dựng được quỹ trị giá trên 1 tỷ đồng để giúp những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi kg thịt hun khói – một trong những món ẩm thực tại điểm du lịch bán được, anh sẽ trích ra 10 đến 15 nghìn đồng để xung vào quỹ này.

Anh-du-lich-cong-dong (1)

Điểm du lịch Kon Trang Long Loi bừng sáng khi bình minh lên (Ảnh: NVCC)

Quỹ còn được xây dựng thêm từ những bức tranh được vẽ của bản thân anh và hơn 20 hoạ sĩ trong nước. Tiền quỹ có được, anh mua sách, vở, cặp bút cho trẻ em nghèo, mua nhu yếu phẩm gửi người già neo đơn, xây nhà cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một ngôi làng trước đây có thể coi là nơi “khỉ ho, cò gáy” dưới sự nỗ lực không ngừng của anh Hồ Việt, nơi này đã được khách du lịch cả nước biết đến nhiều hơn, hình ảnh đẹp của điểm du lịch cũng từ đó mà lan rộng hơn trên các diễn đàn báo chí, Facebook, Instagam, Tiktok, Zalo….

Tính đến hiện tại, điểm du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi đã có sức hút nhất định với du khách trong và ngoài tỉnh Kon Tum. Theo thống kê, năm 2020 điểm du lịch đón nhận 18 nghìn lượt khách, năm 2021 đón 23 nghìn lượt và đặc biệt năm 2022 đón khoảng 30 nghìn lượt khách.

Bạn cũng có thể thích