Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở Nam Định được công nhận bảo vật quốc gia
(Xây dựng) – Nam Định vừa có hiện vật thứ 5 được công nhận bảo vật quốc gia. Đó là 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ, được thờ tại chùa Phổ Minh, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần và chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định).
Tượng Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở chùa Phổ Minh, Nam Định. |
Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ của Nam Định là 1 trong 27 hiện vật, nhóm hiện vật của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước được công nhận bảo vật quốc gia tại Quyết định số 41/QĐ-TTg, ngày 30/1/2023.
Bộ tượng có niên đại từ thế kỷ XVII, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, khắc họa 3 vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm: Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng 150kg.
Ngoài chùa Phổ Minh ở Nam Định, hiện trong nước có 2 nơi đang sở hữu bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ cổ và nguyên vẹn là chùa Hoa Yên (Quảng Ninh) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Trong đó, chùa Phổ Minh và chùa Vĩnh Nghiêm có đủ bộ 3 tượng, còn chùa Hoa Yên thuộc Khu di tích danh thắng Yên Tử chỉ có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Các bộ tượng ở mỗi địa phương có nhiều đặc điểm khác nhau, thể hiện tính độc bản ở một số khía cạnh. Về chất liệu, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông chùa Phổ Minh tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, còn tượng ở chùa Hoa Yên bằng chất liệu đá xanh.
Về tư thế, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông chùa Phổ Minh tạc theo thế sư tử nằm, mô tả khoảnh khắc ngài nhập niết bàn. Tượng ở chùa Hoa Yên ở tư thế ngồi thiền buông thư, thân khoác pháp y. Tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm tọa thiền ở thế buông thư, thân khoác y cửu điều, tay lần tràng hạt.
Theo mô-típ, tượng Phật nhập niết bàn thường gối đầu lên tay phải, đầu quay về hướng Bắc, mặt ngoảnh về hướng Tây, tay trái duỗi thẳng đặt lên người. Tuy nhiên, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông chùa Phổ Minh lại khác biệt, đầu hướng về phía Đông, nơi có đền Trần thờ Thủy tổ và 14 vị Hoàng đế triều Trần, với ý nghĩa hướng về nguồn cội, tổ tiên. Đây được xem là điểm độc đáo nhất của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Phổ Minh, Nam Định.
Chùa Phổ Minh, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần và chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), nơi thờ và lưu giữ bộ 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ.
Ngoài giá trị hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ còn gắn với lịch sử hình thành, tồn tại của chùa Phổ Minh, công trình kiến trúc nổi tiếng thời Trần. Việc nghiên cứu bộ tượng không chỉ cho thấy thân thế, sự nghiệp, vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông với vương triều Trần, quốc gia Đại Việt và vùng đất Thiên Trường, mà còn góp phần làm sáng tỏ vị trí của Ngài với chùa Phổ Minh, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm do ngài sáng lập.
Trước bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ, Nam Định đã có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: Tượng Phật A Di Đà niên đại thế kỷ XII (chất liệu đá), lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên; thành bậc lan can, thuộc tháp Chương Sơn ở huyện Ý Yên, có niên đại thế kỷ XII; mô hình nhà thời Trần, có niên đại thế kỷ XIII – XIV và bộ chân đèn, lư hương có niên đại thế kỷ XVI, đều được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh.
Nguồn: Báo xây dựng