Bộ Tư pháp phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024
Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt Luật Đất đai năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả; nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Đất đai năm 2024 và tổ chức thi hành có hiệu quả trong Bộ, ngành Tư pháp.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Tư pháp cũng như các Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 để đưa Luật nào vào cuộc sống.
Ngoài ra, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, một số vướng mắc pháp lý trong một số vụ việc cụ thể có thể phát sinh, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp phải có ý kiến. Để có thể triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu quả, chất lượng, Bộ, ngành Tư pháp cần chủ động nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Luật Đất đai; hiểu đúng và đầy đủ các điểm mới của Luật này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Đất đai Lê Minh Ngân đã giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và một số lưu ý cho ngành Tư pháp về: công chứng, chứng thực liên quan đến thực hiện quyền của người sử dụng đất; các quy định liên quan đến thi hành án; xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 tại cấp Trung ương và địa phương.
Toàn cảnh hội nghị. |
Về cơ bản, quy định liên quan đến công chứng, chứng thực giữ nguyên như Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên có bổ sung trường hợp được công chứng, chứng thực theo yêu cầu đối với giao dịch góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời, dẫn chiếu việc thực hiện công chứng, chứng thực về quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật cũng làm rõ thời điểm tính thời hạn đăng ký biến động đất đai đối với 22 trường hợp thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong quá trình thẩm định các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao để ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai năm 2024.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận với nhóm chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội các nội dung liên quan đến công bố quy hoạch, chuyển nhượng đất trồng lúa, bảng giá đất, ….
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đề nghị cần xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời cần thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật.
Theo đại diện Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành. Vì vậy, đối với chính quyền địa phương cũng phải chủ động thực hiện rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các điểm mới, đáng chú ý và tác động cũng như các điểm cần được làm rõ; thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật đất đai, kiến thức quản lý nhà nước về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai các cấp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng đất đai phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay và giúp công tác quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, khả thi hơn.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh Luật Đất đai 2024 là đạo luật rất quan trọng, phức tạp, có tác động sâu rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Tư pháp; quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục phổ biến, quán triệt, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng các hình thức phù hợp.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, chủ lực là Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự địa phương tham gia tích cực, chủ động hoàn thiện và xây dựng các văn bản quy định chi tiết và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý khi có khó khăn, vướng mắc.
Nguồn: Báo lao động thủ đô