Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Ngành Xây dựng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
(Xây dựng) – Nhận định năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị toàn NGÀNH Tập trung các giải pháp trọng tâm, chủ động vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Hoàn thiện thể chế pháp luật với trọng tâm là các dự án Luật
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị toàn Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật; tập trung cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị; tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển nhà ở, BĐS, nhất là quản lý phát triển NƠXH, nhà ở công nhân…
Cụ thể, đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội; Nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi được Chính phủ thông qua chính sách, trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước, đảm bảo hợp lý, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật khác.
Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác rà soát các Nghị định, Thông tư, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Theo dõi tình hình thi hành theo chương trình, kế hoạch đề ra…
Tăng cường quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật
Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, ngoài thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu Vụ Quy hoạch Kiến trúc và các địa phương quan tâm công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, lưu ý các nội dung quy định pháp luật khắc phục được những bất cập hiện nay, có tính khả thi và phân cấp cho địa phương chủ động hơn trong quá trình thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra lập quy hoạch tại các địa phương…
Trong công tác quản lý phát triển đô thị, các đơn vị tích cực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 148/NQ-CP) và Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết 148/NQ-CP.
Trong xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị, chú trọng nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị; sớm ban hành tiêu chí về đô thị thông minh; tiếp tục triển khai hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; hoàn thành lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Bộ trưởng đồng thời đề nghị tiếp tục triển khai Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030…
Trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị; Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu ngập úng đô thị…
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn”; Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục…
Đảm bảo phát triển nhà ở, thị trường BĐS ổn định, lành mạnh
Về quản lý phát triển nhà ở và thị trường BĐS, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, kết luận liên quan đến phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh; Triển khai một số nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành do Chính phủ thành lập, xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc tại địa phương; Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, NƠXH và khu đô thị…
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, vật liệu xây dựng
Đối với công tác quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ trưởng nhấn mạnh phải sớm hoàn thành dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Công tác thẩm định phải chặt chẽ hơn, đúng quy định, không để chậm, không để ảnh hưởng đến đầu tư công, hoạt động đầu tư xây dựng. Khẩn trương rà soát, xây dựng mới, thay thế định mức, đơn giá, suất đầu tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn không còn phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu và còn thiếu trong công tác đầu tư xây dựng. Chủ động nghiên cứu, đổi mới quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng xây dựng. Quan tâm hoạt động của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tăng cường kiểm tra các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án lớn đảm bảo đúng quy định, đảm bảo quy trình, chất lượng, an toàn…
Liên quan đến công tác quản lý VLXD, Bộ trưởng lưu ý việc mở rộng đầu tư dây chuyền của các nhà máy xi măng; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm VLXD tại địa phương; quan tâm phát triển VLXD thay thế, vật liệu mới, vật liệu xanh đảm bảo phục vụ cho các công trình xanh, thân thiện môi trường…
Các giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm khác
Về cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng chỉ đạo: Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công; Khắc phục việc trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính; Quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu của Ngành, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu chung; Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng…
Đối với công tác thanh tra, tiếp tục thực hiện theo quy trình thanh tra, trong đó ban hành quy chế hoạt động tổ chức của thanh tra; Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ đoàn thanh tra gắn với đạo đức công vụ; Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm; Quan tâm đến công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa DN, Bộ trưởng yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 – 2025 theo Quyết định 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phê duyệt Đề án/ Phương án sắp xếp, tái cơ cấu DN giai đoạn 2021 – 2025 đối với Tổng công ty HUD và VICEM; Triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty CP Sông Hồng và Tổng công ty VIGLACERA – CTCP theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP sang SCIC…
Đối với công tác hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương nhằm hỗ trợ cho công tác xây dựng các đề án luật của Bộ; phối hợp với Cuba tổ chức Kỳ họp thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cuba dự kiến vào quý IV/2023 tại Việt Nam…
Nguồn: Báo xây dựng