Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

(Xây dựng) – Tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, sáng 28/6, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo tính khả thi
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu một cách đồng bộ về lãnh thổ, nhằm đảm bảo yêu cầu trong sự chuyển hóa không gian đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.

Quy định rõ hoạt động quy hoạch trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn

Về phạm vi, nội dung, đối tượng và mối quan hệ của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời và được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền hành chính.

Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần là khu vực nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có bao gồm khu vực phát triển đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu một cách đồng bộ về lãnh thổ, nhằm đảm bảo yêu cầu trong sự chuyển hóa không gian đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.

Nội dung quy hoạch theo đơn vị hành chính đô thị là thành phố trực thuộc trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn cũng đã được quy định rất rõ tại dự thảo luật, cụ thể tại Điều 20, 21, 22 và đã phân định cụ thể với nội dung quy hoạch nông thôn, bao gồm huyện và xã tại Điều 26, 27.

Trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã quy định rõ hoạt động quy hoạch trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn. Các đối tượng không gian lập quy hoạch được xác định theo Điều 5 của dự thảo Luật. Theo đó, nội dung quy hoạch nông thôn được tập trung vào trong quy hoạch mục tiêu xây dựng tổ chức phân bổ dân cư nông thôn, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phạm vi ranh giới lập quy hoạch. Còn các nội dung thuộc các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi…thì theo các quy hoạch chuyên ngành và theo quy định của các pháp luật chuyên ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo tính khả thi
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo tính khả thi.

Cần thiết phải có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương

Liên quan đến vai trò, sự cần thiết việc lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017.

Theo đó, nội dung lập quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong thành phố trực thuộc Trung ương. Không có quy định việc đề xuất mô hình, cấu trúc phát triển đô thị; định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; định hướng phát triển các khu chức năng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch như là quy hoạch chung đối với thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ trưởng, thực tiễn hiện nay, qua các quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương được phê duyệt, thì nội dung của các quy hoạch này không đủ cơ sở lập quy hoạch phân khu, để làm cơ sở hình thành dự án đầu tư và quản lý không gian xây dựng trong đô thị.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương khác nhau về: Khái niệm; chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật áp dụng; nội dung quy hoạch; vai trò, yêu cầu đối với công tác quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng; mức độ nội dung thông qua tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo. Do đó cần thiết phải có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.

Việc lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo tính kế thừa, không trùng lắp; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, Điều 5 của Luật Quy hoạch năm 2017 cũng xác định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là 1 trong 5 nhóm, loại quy hoạch khác nhau, với vai trò, vị trí khác nhau.

Điều 28 của Luật Quy hoạch năm 2017 cũng xác định rõ nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Do đó, cần thiết có quy định này tại dự án luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để lập quy hoạch chung cho đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Luật Đất đai năm 2024 cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và cụ thể hóa quy hoạch tỉnh của thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 65 Luật Đất đai năm 2024 quy định thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, mà căn cứ vào quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất.

Quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian, đồng thời đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc trung ương. “Với những lý do đó thì cần thiết phải lập quy hoạch chung cho thành phố trực thuộc trung ương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo tính khả thi
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội hàm của quy hoạch huyện khác nội hàm quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện

Đề cập đến sự cần thiết lập quy hoạch chung huyện khi trong quy hoạch tỉnh đã bao hàm nội dung quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tại Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện là một trong những nội dung của quy hoạch tỉnh và quy định phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện bao gồm: Việc xác định phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm của từng vùng liên huyện, vùng huyện.

Quy hoạch tỉnh chỉ có tính chất xác định phạm vi, tính chất, định hướng phát triển trọng tâm về kinh tế – xã hội của huyện, làm cơ sở để lập quy hoạch chung của huyện.

Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện trong quy hoạch tỉnh không bao gồm các nội dung như quy hoạch chung huyện. Cụ thể là không bao gồm nội dung dự báo, xác định mục tiêu, động lực phát triển; các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của quy hoạch; mô hình phát triển tổng thể của huyện; định hướng phát triển không gian các khu vực trong huyện theo chức năng; định hướng phát triển đô thị, khu chức năng, mạng lưới dân cư nông thôn, hệ thống các trung tâm hành chính, dịch vụ thương mại, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, công viên, cây xanh, thể dục, thể thao cấp huyện, liên huyện, liên xã cũng như hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; xác định phạm vi, quy mô, khu cấm xây dựng, khu hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, bảo tồn, tôn tạo…“Do đó, nội hàm của quy hoạch huyện khác như với nội hàm quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Thời kỳ quy hoạch theo Luật Quy hoạch và thời hạn quy hoạch theo dự thảo luật là khác nhau

Về thời hạn quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ trưởng cho biết, tại Điều 8 Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế – xã hội cho việc lập quy hoạch.

Tại Điều 3, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định thời hạn quy hoạch đô thị và nông thôn là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán, lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cho việc lập quy hoạch.

Như vậy, nội hàm của thời kỳ quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017 và thời hạn quy hoạch theo quy định tại dự thảo luật này là khác nhau. Việc tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật trong quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với công tác lập, quản lý dự án đầu tư xây dựng, cần phù hợp với thời gian thực hiện đầu tư, khai thác, sử dụng công trình đầu tư xây dựng. Do đó, cần có thời hạn tính toán, dự báo dài hạn 20 – 25 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải trình rõ, việc quy định tại dự thảo luật về thời hạn đối với quy hoạch đô thị và nông thôn từ 20 đến 25 năm có 3 căn cứ.

Căn cứ thứ nhất là kế thừa quy định hiện hành. Căn cứ thứ hai là cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có xác định quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.

Căn cứ thứ ba, yêu cầu đặc thù của việc phát triển không gian vật thể cũng như hình thành triển khai các dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi không gian lập quy hoạch cần thiết phải có thời hạn từ 20 đến 25 năm, vừa đủ dự báo chính xác, vừa đảm bảo tính khả thi trong đầu tư hoàn thiện hạ tầng.

Để đảm bảo thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nội dung quy hoạch đô thị, nông thôn tại dự thảo luật này cũng đã quy định các giai đoạn thực hiện quy hoạch, kế hoạch ưu tiên thực hiện đầu tư. Đây là giai đoạn ngắn hạn, bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương

Làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung quy hoạch chung đô thị loại III trở lên cần phải ý kiến Bộ Xây dựng trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt, Bộ trưởng cho biết, các đô thị loại III trở lên là các đô thị có quy mô trung bình và lớn, có vai trò là các trung tâm dịch vụ thúc đẩy các ngành sản xuất tại địa phương cũng như lan tỏa trong quá trình phát triển, liên kết các đô thị nhỏ và các khu vực nông thôn.

Các đô thị loại III trở lên có xu hướng phát triển nhanh về quy mô dân số cũng như không gian phát triển đô thị. Với tính chất, vai trò, tầm quan trọng của đô thị loại III trở lên như vậy, Bộ Xây dựng (là cơ quan quản lý Nhà nước của Chính phủ quản lý về phát triển đô thị) cần thiết phải tham gia theo dõi, đánh giá, để kịp thời tham mưu báo cáo Chính phủ, hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng; đảm bảo bám sát định hướng quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn, các định hướng phát triển quy hoạch; đảm bảo tính liên kết trong quá trình phát triển hệ thống đô thị và nông thôn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với quy hoạch chung đô thị từ loại IV trở lên và đô thị mới loại V. Tuy nhiên, theo dự thảo luật này, đối với đô thị loại IV, đô thị mới loại V cũng đã phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương.

Về nội dung phân cấp UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay theo nghị quyết của Quốc hội, đã có 8 địa phương được phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Qua tổng kết đánh giá, rà soát cho thấy cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị cấp tỉnh hoàn toàn có đầy đủ điều kiện, nguồn lực cũng như khả năng để lập thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật nhận thấy việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cần thiết, nhằm tăng tính tự chủ, tính chủ động cũng như tính chịu trách nhiệm của địa phương trong quản lý hoạt động quy hoạch đô thị tại địa phương, đáp ứng yêu cầu, tiến độ của hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn các địa phương.

Sau cùng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cùng với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trong quá trình đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan thẩm tra tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không trùng lặp, chồng chéo cũng như đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích