Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Đã ban hành tiêu chuẩn cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa

(Xây dựng) – Tại phiên Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực tài nguyên và môi trường, sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tham gia trả lời chất vấn liên quan đến các nội dung sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, ngập úng đô thị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Đã ban hành tiêu chuẩn cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham gia trả lời chất vấn, sáng 4/6.

Liên quan đến nội dung sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành cũng như chuyển các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn kỹ thuật, cũng như là các định mức kinh tế – kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Trong đó, bao gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật cho các lĩnh vực như làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vữa xây, bê tông, bê tông đầm lăn và đất làm vật liệu đường giao thông cũng như trong vật liệu san lấp.

Hiện nay, tiêu chuẩn về sản phẩm cát nghiền để làm vật liệu xây dựng thay thế cũng đã ban hành tiêu chuẩn cát nghiền cho bê tông và vữa, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng, trong đó có cát nghiền.

Đối với cát nhiễm mặn, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa (TCVN 13754:2023); cấp phối, tái chế chất thải rắn, xây dựng để làm móng đường giao thông, đô thị.

Riêng đối với cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp đường giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu đánh giá cũng như thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường.

Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành thí điểm và đã báo cáo. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh căn cứ theo nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án địa phương để tiếp tục triển khai thí điểm mở rộng, sử dụng cát biển làm đường cho dự án công trình giao thông.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã có báo cáo đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 về Nền đường ô tô – Thi công và nghiệm thu cũng đã xác định yêu cầu về kỹ thuật cho vật liệu đắp nền đường…

Liên quan đến vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận, đúng là tình trạng ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp, do một số nguyên nhân.

Thứ nhất là do tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Thứ hai là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao, trong đó có việc san lấp ao hồ, kênh rạch dẫn đến diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa, dẫn đến khả năng thoát nước, tiêu thoát nước tự nhiên hay khả năng thẩm thấu tự nhiên bị giảm xuống.

Thứ ba là do công tác quy hoạch chưa đảm bảo trong công tác dự báo cũng như chưa đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị. Thứ tư là do việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu đó. Thứ năm là do ý thức của người dân, do tình trạng rác thải, dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước…

Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập đô thị trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải, trong đó tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý, phát triển đô thị và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.

Giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng lọc, quản lý, quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị. Giải pháp thứ ba là tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.

Giải pháp thứ tư là tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để triển khai quy hoạch, quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, cấp, thoát nước thải đô thị…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích