Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Cấp phép thí điểm Mobile Money vào tháng 10’
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số doanh nghiệp thời Covid, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với chuyển đổi số thì một tháng Covid có thể bằng cả chục năm.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết các nhà mạng viễn thông đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và Internet lên tới 10.000 tỷ đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng một bộ phần mềm để hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn phí từ 3-6 tháng đầu, hiện nay đã có trên 10.000 doanh nghiệp đang sử dụng.
Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ ký nghị định về đấu giá tần số trong quý IV/2021 để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp được tần số 4G/5G cho các nhà mạng đầu tư tăng dung lượng và đặc biệt là phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh từ năm 2023 thì 100% người dân sẽ dùng điện thoại thông minh. Đồng thời chiến lược hạ tầng số Việt Nam cũng đặt mục tiêu xếp hạng top 30 thế giới trước năm 2025, như vậy các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ có được một hạ tầng số hiện đại để phát triển kinh tế số.
“Để lên môi trường số thì việc thanh toán điện tử được coi là nền tảng. Cách nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ được toàn dân thì Mobile Money là giải pháp tốt nhất, hiện nay những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm phòng chống Covid – 19 chính thức của Chính phủ đã được tích hợp vào một ứng dụng duy nhất với tên gọi là PC – Covid.
Trước đó, hồi đầu tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money.
Theo đó, quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3) và thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.
Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.
Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.
Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Đáng chú ý, quyết định này yêu cầu mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện.
Quyết định của Thủ tướng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money, bao gồm tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Đến nay, cả 3 nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam là Viettel, VinaPhone và Mobifone đều đã nhận được giấy cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp thông tin di động tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money.
Dù được kỳ vọng là một trong những dịch vụ có thể giúp giải bài toán thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để Mobile Money có thể đi vào thực tiễn đời sống của nhân dân đòi hỏi rất nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý và các đơn vị triển khai dịch vụ, mà cụ thể là các nhà mạng.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu