Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh

(Xây dựng) – Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) nhằm phổ biến thông tin đến các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân diễn ra ngày 3/4.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Mở ra không gian phát triển mới cho ngành Năng lượng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng, kết quả đạt được của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Ông Tô Xuân Bảo cho rằng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời tạo tiền đề để các địa phương trên cả nước, các Tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư tư nhân có cơ sở triển khai phát triển điện lực, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.

Bản Kế hoạch này đã được Bộ Công Thương chi tiết hóa nhiều nội dung của Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg, trong đó đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định rõ 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Trung tâm 1 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000 MW) và Trung tâm 2 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và mở rộng lân cận trong tương lai.

Đối với nguồn điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc khi xem xét, đánh giá tính pháp lý các dự án, đảm bảo không được phép hợp thức hóa các sai phạm.

Hội nghị cũng lắng nghe ý kiến của đại diện một số địa phương, các tập đoàn năng lượng… cùng đi đến thống nhất và cho biết, sẽ có kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao

Sau khi lắng nghe các báo cáo, ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành Điện nói riêng và ngành Năng lượng nói chung mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh của đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Công Thương đã khẩn trương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Sau 7 lần trình Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh
Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải: “Sở dĩ Bộ Công Thương đã có 7 lần trình lên Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch này do đây là lần đầu tiên Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành điện được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Cùng với đó, do tính đặc thù của Ngành và sự liên quan, kết nối rất chặt chẽ của Quy hoạch điện VIII với các quy hoạch ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và các quy hoạch cấp tỉnh nên Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng”.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị: “Thời gian tới rất cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các địa phương với Bộ trong việc hoàn thiện số liệu bổ sung để làm cơ sở cho việc thẩm định và trình Thủ tướng xem xét quyết định trước ngày 30/4/2024”.

Nhấn mạnh Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tuy chưa hoàn thiện, song theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Kế hoạch này đã bám sát các định hướng, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII; cập nhật đầy đủ các nội dung cơ bản của các Nghị quyết có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tầm nhìn dài hạn.

Việc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt mới chỉ là kết quả bước đầu, để tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch này, tư lệnh ngành Công Thương mong các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 262/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đề nghị, mong muốn các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện đặc thù; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để hỗ trợ thực hiện…

Đối với các địa phương cần khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch điện lực cũng như các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, cập nhật các Quy hoạch, Kế hoạch chuyên ngành của địa phương, nhất là Quy hoạch, Kế hoạch về sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư…

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và các Hiệp hội ngành nghề, cần có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, đề xuất và tích cực tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư cho dự án nguồn điện lớn, dự án điện gió ngoài khơi, dự án truyền tải, cơ chế đặc thù cho các dự án thủy điện tích năng…

Riêng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tập trung mọi nguồn lực để triển khai công trình đường dây 500 kV mạch 3; đồng thời, chủ động đề xuất triển khai thực hiện dự án truyền tải điện biên giới Việt – Lào và các dự án truyền tải khu vực phía Bắc được đề ra trong Quy hoạch điện VIII.

Các Tập đoàn kinh tế, kể cả tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cần chủ động nghiên cứu danh mục các dự án trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch này (bao gồm dự án nguồn và dự án truyền tải) để đề xuất các cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cho tham gia triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, điện khí, thủy điện tích năng, các dự án điều chế nguyên liệu mới thay cho nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích