Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, sáng ngày 21/9/2024.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp tư nhân nói riêng luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Riêng khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn hiện đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự Hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD.
“Việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay giống như “Hội nghị Diên Hồng” đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước; trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.
Theo đó, các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
“Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng, đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng.
Theo Bộ trưởng, đất nước đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
“Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới”- Bộ trưởng phân tích.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025. Ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong đó nhiều nhiệm vụ như: phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; Triển khai Quy hoạch điện VIII; thu hút đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và phát triển hydrogen tại Việt Nam; phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng…
“Trước các nhiệm vụ lớn của đất nước như vậy các doanh nghiệp lớn có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ nào không? Có thể là một mình hoặc liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI để thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?”, Bộ trưởng đặt vấn đề với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp… , tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Viên Chăn – Hà Nội, Đường sắt Viên Chăn – Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, …
Đồng thời, phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng hy vọng, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.
Đối với các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất cần tập trung các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; trong đó tập trung vào các chính sách: hỗ trợ tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như: vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, R&D và các yếu tố đầu ra như thị trường, thương hiệu.
Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh, kinh tế số. Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, Đề án phát triển thị trường các-bon, khu thương mại tự do tại các địa phương.
Lê Kim Liên