Bộ trưởng lý giải việc ‘xăng dầu không thiếu song bán ra lại khó khăn’
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đã có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, do vậy hoàn toàn đáp ứng nguồn cung xăng dầu, chưa kể lượng tiếp tục sản xuất và nhập khẩu.
Phiên thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội sáng 22/10. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+) |
Nguồn cung xăng dầu, tình trạng lỗ, lãi của các doanh nghiệp… đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải đáp chi tiết tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội diễn ra sáng 22/10.
Không thiếu nguồn cung
Theo Bộ trưởng, trong thời điểm hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang điêu đứng trong vấn đề năng lượng, giá tăng cao mà không có hàng để mua. Đơn cử tại Nga, mặc dù sở hữu khối lượng dầu mỏ lớn, chiếm 30-35% dầu lửa thế giới, song Nga khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt, giá bán lẻ của Nga thời điểm giữa tháng 10 dao động từ 1-1,2 USD (tương đương trên 30.000 đồng/lít).
“Trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21.000-25.000 đồng/lít, cao nhất, ở thời điểm này là 23.000 đồng/lít, giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta,” Bộ trưởng cho hay.
Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nên biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp (300 ngày) giá xăng trong nước liên tục giảm và chỉ tăng trong hai kỳ điều hành gần đây. Vì vậy, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung, đồng thời dẫn số liệu, kiểm tra thực tế đến thời điểm ngày 30/9/2022, ông cho hay, lượng hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 2,5 triệu khối. Ngoài ra, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng.
“Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500.000 khối, như vậy chúng ta đã có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu,” ông Diên nêu rõ.
Vì sao nhiều cửa hàng đóng cửa?
Việc nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn, theo phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vì phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng khi đưa về trong nước thì giá đi xuống khiến nhiều doanh nghiệp chịu lỗ, nên khi lỗ doanh nghiệp không dám làm.
Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức đã lỗi thời, lạc hậu (từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối). Đơn cử, chi phí bảo quản xăng dầu, theo định mức được xây dựng từ năm 2003 là 30 đồng/lít nhưng đến bây giờ đã tăng lên gấp nhiều lần nên gây áp lực cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu về xăng dầu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+) |
Nêu tình trạng đóng cửa không bán hàng tại một số địa phương phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ rõ về một lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả thời gian trước đây.
“Bằng chứng hồi tháng 8, chúng ta tiếp tục bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng dầu mấy trăm triệu lít. Đấy là tảng băng nổi thôi, còn chìm là bao nhiêu thì phải có thời gian mới giải quyết được,” ông nói.
Từ nhận định đó, theo ông, nếu có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ không quan tâm đến chi phí định mức, chiết khấu và không quan tâm lắm đến việc đăng ký mua của ai một cách ổn định. Do vậy, khi cơ quan chức năng đánh mạnh về xăng dầu giả, siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống duy trì bán hàng để cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng.
Mặt khác, những lĩnh vực như: chứng khoán, bất động sản… thời gian qua cũng hút một lượng vốn nhất định của các doanh nghiệp trong đó có một số doanh nghiệp xăng dầu dẫn tới nguồn tiền bị vơi đi. Cho nên đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì doanh nghiệp không còn tiền và lĩnh vực này cũng không hấp dẫn.
Ngoài ra, do room tín dụng được quy định từ trước (khi giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60USD/thùng) nhưng hiện giá đã thay đổi nhiều, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần nhưng room tín dụng vẫn không đổi, do đó đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
“Thông thường trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực họ có nhiều nguồn để lấy, cùng một lúc ký với rất nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhưng ký xong rồi không nhập thì doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối,” ông Diên cho hay.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng cho rằng việc doanh nghiệp nào sai thì kiên quyết xử lý và theo luật quy định. Tuy vậy, nếu rút giấy phép thương nhân phân phối, đồng nghĩa chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý, nhưng không thể có chuyện “quýt làm cam chịu” do vậy thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề xuất làm theo hướng, đơn vị vi phạm lần 1 phạt tiền; lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép.
– Biến động giá xăng dầu thời gian gần đây:
Quảng-Hạnh (Vietnam+) |
Nguồn: Báo xây dựng