Bộ trưởng Lê Minh Hoan xót xa khi dân đốn điều trồng sầu riêng
Bộ trưởng Lê Minh Hoan xót xa khi dân đốn điều trồng sầu riêng
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan không khỏi xót xa khi chứng kiến người dân Bình Phước đốn điều trồng sầu riêng.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) đặt vấn đề về giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân trong thời gian tới.
Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ, ông từng chứng kiến bà con đốn điều để trồng sầu riêng và câu hỏi vì sao bà còn Bình Phước nỡ chặt bỏ đi câu điều đã gắn bó bao đời.
“Bà con nói tôi là thu nhập trồng sầu riêng là 1 tỷ đồng/ha còn trồng điều là 35 – 40 triệu đồng/ha thì chúng tôi nên như thế nào? Một câu nói rất đắng lòng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.
Trước thực trạng đau lòng này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần phải phải ứng biến theo quy luật thị trường bởi không thể ngăn chặn việc này.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức mô hình khuyến nông, bản thân cây điều có đa tầng giá trị. Theo đó, nấm linh chi đỏ có thể đem lại thu nhập cao, nằm dưới tán rừng điều. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bình Phước tích cực triển khai mô hình này.
Bên cạnh đó, cây điều là giống cây hữu cơ, có thể bán tín chỉ carbon để thêm nguồn thu cho bà con.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều. Theo đó, cần xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.
“Chúng ta hay nhập điều từ nước ngoài trong khi bà con chúng ta như thế. Do vậy cần phải có giải pháp” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, thời gian tới Bình Phước sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: “Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có Hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu.”
Người đứng đầu ngành nông nghiệp còn cho biết, Bộ vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng và toàn bộ ngành hàng này đã mở cửa với thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, khi đưa mặt hàng này trở thành sản phẩm quốc gia thì phải có thiết chế quốc gia, chính sách chung về cây trái này cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… Bởi Việt Nam đang đi sau các thị trường khác (như Thái Lan, Malaysia,..) về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị