Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phí công đoàn cần được kiểm toán, báo cáo Quốc hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phí công đoàn cần được kiểm toán, báo cáo Quốc hội

Theo Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung, kinh phí công đoàn cần phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra.

Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhận định, vấn đề kinh phí công đoàn được tổ chức công đoàn quan tâm nhiều nhất trong quá trình sửa Luật.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phí công đoàn cần được kiểm toán, báo cáo Quốc hội- Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quốc hội

Kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động đóng góp. Nguồn kinh phí này thực hiện hai mục tiêu lớn là chăm lo đời sống của người lao động và chi cho tổ chức, bộ máy hoạt động của tổ chức công đoàn. Bởi, tổ chức công đoàn hoạt động không lấy từ ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam duy trì hình thức này.

“Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao.

Kinh phí công đoàn cần phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra”, ông Đào Ngọc Dung đề nghị.

Theo Bộ trưởng, phí công đoàn là một sắc thuế, phải quản lý theo sắc thuế, không phải “ào ào” muốn ai quản lý là được.

“Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, tới đây, không chỉ có công đoàn, mà còn các tổ chức người lao động khác thì vấn đề kinh phí công đoàn cần lưu tâm hơn nữa.

Dẫn lại dự thảo Luật về việc phân phối 2% kinh phí công đoàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các quốc gia có nhiều tổ chức của người lao động có Ủy ban điều phối nguồn kinh phí. Do đó, việc điều phối phí công đoàn nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt, mềm dẻo, hài hòa, hiệu quả hơn.

Sáng cùng ngày, tham gia thảo luận tại tổ của Quốc hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, với mức lương bình quân toàn quốc hiện nay khoảng 8,2 triệu đồng/tháng thì tiền lương bình quân của công nhân khoảng 100 triệu đồng/năm. Do đó, mức thu kinh phí công đoàn chỉ khoảng 2 triệu đồng/năm.

Theo cách phân phối kinh phí, công đoàn cơ sở giữ lại 75% thì tương đương khoảng 1,5 triệu đồng cho mỗi người lao động. Khoản tiền này được chi cho các hoạt động thăm hỏi ốm đau, quà Tết, sinh nhật và chi thưởng cho các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao tại công đoàn cơ sở.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phí công đoàn cần được kiểm toán, báo cáo Quốc hội- Ảnh 3.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Quốc hội

Thông tin thêm việc phân phối kinh phí công đoàn, ông Khang cho biết Tổng Liên đoàn Việt Nam đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là giao cho Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng. Phương án 2 quy định cụ thể trong luật là công đoàn cấp trên sử dụng 25%, còn lại là công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Ông Khang giải thích sau khi luật ban hành thì Chính phủ sẽ có Nghị định về tài chính công đoàn nên có thể quy định mức phân phối khoản kinh phí công đoàn tại nghị định này. Còn tỷ lệ phân phối 75%-25% là mức lâu nay đang thực hiện ổn định và cũng đã tham khảo kinh nghiệm một số nước.

“Kinh nghiệm của một số nước chúng tôi cũng đi tìm hiểu thì nó cũng khoảng từ 73-75%”, ông Khang nói.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích