Bộ Tài chính không đồng ý điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Cử tri các tỉnh Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Tây Ninh đồng loạt đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần cho phù hợp thực tế, nhất là sau tăng lương từ ngày 1/7. Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng từ 1/1/2009 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Biến động chỉ số giá tiêu dùng là một trong những sở cứ được dùng để xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thu nhập cá nhân. |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012 có hiệu lực từ tháng 1/2013, quy định mức giảm trừ người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời bổ sung quy định khi CPI biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Đến tháng 6/2020, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 954 nâng mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế.
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.
Bộ Tài chính dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) bình quân 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Với mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng), cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người; mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Do đó, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc), sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Qua số liệu của Tổng Cục thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và năm 2023 tăng 3,25%. CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất năm 2020. Theo quy định hiện hành, chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế TNCN. Theo đó, sẽ rà soát về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần để báo cáo Chính phủ, UBTVQH xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Dự kiến Luật Thuế TNCN sửa đổi sẽ đăng ký Chương trình xây dựng Luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026.
Nguồn: Báo lao động thủ đô