Bổ sung quy định về hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận

Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP theo nội dung cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.

Chính sách thứ 3 được nêu trong dự thảo là bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận.

Xác định vấn đề bất cập

Theo quy định tại tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17000:2020 (ISO/IEC 17000), hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm cả hoạt động xác nhận giá trị sử dụng/thẩm định (tiếng Anh là validation), kiểm tra xác nhận/thẩm tra (tiếng Anh là verification). Theo TCVN ISO/IEC 17029:2020 (ISO/IEC 17029:2019) – Đánh giá sự phù hợp – nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận, các ví dụ hiện tại mà xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận là hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm các công bố liên quan đến phát thải khí nhà kính (ví dụ theo TCVN ISO 14064-3 (ISO 14064-3)), nhãn môi trường, các công bố về sản phẩm và dấu vết các bon (ví dụ theo TCVN ISO 14020 (ISO 14020) và TCVN ISO 14040 (ISO 14040), chẳng hạn như công bố về môi trường của sản phẩm, tính bền vững hoặc báo cáo môi trường (ví dụ theo ISO 14016)).

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra những định hướng lớn để phát triển đất nước. Trong đó, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng, bao gồm chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu, không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Do đó, việc nghiên cứu, quy định cụ thể về tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận (bao gồm cả phát thải khí nhà kính) là cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phụ lục IV về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2016 và năm 2020, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (số thứ tự 201 tại Luật Đầu tư năm 2016 và số thứ tự 188 tại Luật Đầu tư năm 2020) là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nội dung này đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2026 và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018.

Bên cạnh đó, ngày 12/3/2024, Bộ Công Thương đã có văn bản số 1559/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ doanh 16 nghiệp ứng phó với các rào cản kỹ thuật mới, thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với hoạt động xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận khí nhà kính (dấu vết carbon) và tổ chức thực hiện.

Ngày 17/4/2024, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2556/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đối với đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 1559/BCT-XNK, theo đó giao Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên để chủ động tích cực triển khai các biện pháp phù hợp, theo thẩm quyền và quy định pháp luật, kịp thời ứng phó và thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền.

Tuy nhiên, hiện nay Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP chưa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận. Do đó, để triển khai thống nhất quy định tại Luật Đầu tư, ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 2556/VPCP-KTTH ngày 17/4/2024 và phù hợp với thông lệ quốc tế, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận (bao gồm cả các tổ chức thực hiện thẩm định hoặc thẩm tra các xác nhận khí nhà kính) vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Ảnh minh họa. 

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án đối với vấn đề này.

Phương án 1: Không bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận.

Phương án 2: Bổ sung Điều 20b, 20c, 20d, 20đ về điều kiện, hồ sơ, hình thức nộp hồ sơ, trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận.

Đánh giá tác động của các giải pháp

Nếu theo phương án 1 sẽ có lợi ích là không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, thúc đẩy hoạt động đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế. Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận: không phải đầu tư nguồn lực, chi phí để nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp. Phương án không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, nếu theo phương án này, Nhà nước không có căn cứ để xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký, thống nhất quản lý hoạt động của tổ chức thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận; chưa có căn cứ để kiểm soát kết quả xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận của tổ chức đánh giá sự phù hợp hiện nay được chính xác, phù hợp với hội nhập quốc tế.

Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận: không có căn cứ để đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực đánh giá của tổ chức theo các chuẩn mực quốc tế; kết quả xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận chưa được thừa nhận, chưa thực sự góp phần giúp tổ chức, doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới môi trường xanh, bền vững và để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận, do chưa có quy định cụ thể về chuẩn mực đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận nên kết quả xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận của các tổ chức này hiện nay chưa được bảo đảm tính chính xác, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; việc thu thập dữ liệu, xác định phạm vi, đo lường và tính toán, phân tích và đánh giá chưa đầy đủ, toàn diện nên chưa phát triển được các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động của khí nhà kính như việc sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất sản xuất và áp dụng công nghệ xanh, từ đó gây lãng phí về chi phí, nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu theo phương án 2, Nhà nước có căn cứ để xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký, thống nhất quản lý hoạt động của tổ chức thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận; kiểm soát được kết quả xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận của tổ chức đánh giá sự phù hợp hiện nay được chính xác, phù hợp với hội nhập quốc tế. Giải pháp này không phát sinh thủ tục hành chính mới, chỉ bổ sung thêm nội dung thủ tục hành chính hiện nay về cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp (báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính kèm theo), phù hợp với tình hình thực tế triển khai hiện nay. 

Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận: có căn cứ để đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực đánh giá của tổ chức theo các chuẩn mực quốc tế; kết quả xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận được thừa nhận, góp phần giúp tổ chức, doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới môi trường xanh, bền vững và để triển khai thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận, do có quy định cụ thể về chuẩn mực đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận nên kết quả xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận của các tổ chức này được bảo đảm tính chính xác, phù hợp chuẩn mực quốc tế; việc thu thập dữ liệu, xác định phạm vi, đo lường và tính toán, phân tích, đánh giá được đầy đủ, toàn diện, phát triển được các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động của khí nhà kính như việc sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất sản xuất và áp dụng công nghệ xanh, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phương án 2 phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay, tương thích với các điều ước quốc tế, nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế hiện nay. 

Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là sẽ làm tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để tổ chức thực hiện, thúc đẩy hoạt động đánh giá sự phù hợp theo thông lệ quốc tế. Đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, kiểm tra xác nhận, phải mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện; đầu tư nguồn lực, chi phí để nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp, cạnh tranh với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thành lập tại nước ngoài.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích