Bổ sung quy định trụ sạc điện vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ
Hiện nay, sự phát triển công nghệ mới đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó nổi lên là sự phát triển của ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh đã làm thay đổi phương thức cung cấp năng lượng. Theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, hạ tầng giao thông xanh trong GTVT; Xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức… liên quan đến chuyển đổi phương tiện, thiết bị GTVT sử dụng điện, năng lượng xanh trong giai đoạn 2023-2030.
Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về trụ sạc điện/trạm cung cấp năng lượng xanh vào QCVN về trạm dừng nghỉ đường bộ để tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc nhằm cung cấp năng lượng, bảo đảm hỗ trợ sự vận hành liên tục của phương tiện giao thông đường bộ trong tương lai, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải.
Ảnh minh họa.
Tại Dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất bổ sung các khái niệm cơ bản về xe điện, trạm sạc điện phương tiện đường bộ, thiết bị cấp điện cho xe điện, xe hybrid điện và xe hybrid điện nạp ngoài. Dự thảo cũng bổ sung quy định hạng mục trụ/thiết bị sạc điện, đổi pin cho xe ô tô điện và trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng đối với công trình dịch vụ thương mại. Quy chuẩn đề xuất chia trạm dừng nghỉ làm 4 loại căn cứ vào diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc phải có đối với từng loại như: Bãi đỗ xe; Đường xe ra, vào; Khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Trạm cấp nhiên liệu; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Không gian nghỉ ngơi (khu vực có mái che và khu vực trồng cây xanh có ghế ngồi); Nơi cung cấp thông tin;
Khu vực tối thiểu lắp đặt trụ/thiết bị sạc điện xe ô tô điện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho ô tô điện của Bộ Khoa học công nghệ ban hành (sạc chậm, sạc tốc độ nhanh); Khu vực tối thiểu lắp đặt trụ/thiết bị đổi pin xe ô điện; Khu phục vụ ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; Phòng trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Trạm dừng nghỉ phải được xây theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bởi quy hoạch trạm dừng nghỉ là một bộ phận của quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, trạm dừng nghỉ phải được xây dựng theo quy hoạch trạm dừng nghỉ, mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, còn bổ sung, cập nhật các quy định quy phạm pháp luật về đấu nối của đường ra, vào trạm dừng nghỉ vào đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ. Điểm đấu nối của đường ra, vào trạm dừng nghỉ với các đường khác (trừ đường quốc lộ, cao tốc) phải được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp trạm dừng nghỉ được sử dụng cho phương tiện lưu thông trên cả hai chiều của đường cao tốc thì phải có đường đi trên cao hoặc đi ngầm tại nơi giao cắt với đường cao tốc để sang đường.
Đối với quy định về bãi đỗ xe và đường ra, vào bãi đỗ xe, dự thảo đề xuất diện tích tối thiểu cho một chỗ đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40m2 và cho xe ô tô con là 25m2. Có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25m2.
Quy chuẩn mới còn bổ sung quy định việc thiết kế, xây dựng, hoạt động của khu vực cấp nhiên liệu; quy định về hệ thống cấp thoát nước; quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường theo hướng cụ thể hơn, đảm bảo thuận lợi trong triển khai.
An Hạ