Bổ sung COVID-19 là bệnh nghề nghiệp: Cần mở rộng đối tượng hưởng
Người lao động mắc COVID-19 do trong quá trình lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có thể sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả nhiều chế độ về về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bác sỹ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: TTXVN) |
Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Góp ý vào dự thảo, các chuyên gia cho rằng cần tính toán cụ thể các chế độ, đối tượng hưởng chính sách bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người lao động mắc COVID-19.
Chi trả nhiều chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo đề xuất của Bộ Y tế, COVID-19 được xem là bệnh nghề nghiệp khi phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Dự thảo của Bộ Y tế nêu rõ các nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc gồm người lao động làm việc tại phòng thí nghiệm SARS-CoV-2 (lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu); người lao động làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà; người lao động tham gia vận chuyển đường không, đường bộ phục vụ người nhiễm COVID-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất do COVID-19.
Ngoài ra, đối tượng thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh còn có người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi thể người mất do COVID-19; người lao động tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2; người lao động tham gia phòng chống dịch phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 (nhân viên hải quan, ngoại giao, làm công tác xuất nhập cảnh; chiến sỹ, sỹ quan thuộc lực lượng quân đội/công an); người lao động làm các nghề/công việc khác tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Một trong những tiêu chí xác định là người lao động phải có biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 hoặc văn bản cử đi tham gia phòng chống dịch, phục vụ, hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu. Những biên bản này thay thế kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.
Nếu được ban hành thì người lao động mắc COVID-19 do trong quá trình lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ như: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp hằng tháng hoặc một lần; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động người lao động mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được trả đủ tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động và được bồi thường tuỳ theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Dự thảo của Bộ Y tế xác định thì tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh COVID-19 đối với trường hợp ổn định, không để lại di chứng được xác định là 15%.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Minh Quyết/TTXVN) |
Bổ sung người nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc
Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết tất cả quy trình từ nghiên cứu, xác định, ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp đều do Bộ Y tế chủ trì. Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định 34 bệnh nghề nghiệp hiện có ở Việt Nam.
Đối với đề xuất của Bộ Y tế, ông Nhưỡng cho rằng những bệnh phát sinh trong quá trình lao động, ảnh hưởng tới người lao động là bệnh nghề nghiệp, điều này được Tổ chức Lao động Quốc tế khẳng định. Tuy nhiên, để xác định COVID-19 có phải là bệnh nghề nghiệp hay không thì còn phụ thuộc vào quy trình chẩn đoán, xác minh phân biệt với các bệnh khác.
Đồng tình với đề xuất đưa COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động cho rằng cần phải mở rộng danh mục đối tượng có thể mắc bệnh nghề nghiệp và nghiên cứu cụ thể để có đề xuất phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng căn cứ vào một số chính sách hiện hành liên quan thì đề xuất của Bộ Y tế đưa yếu tố bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm như COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp là hợp lý, chính đáng.
Tuy nhiên, theo ông Thơ các đối tượng mà Bộ Y tế đề xuất mới dừng lại ở những người làm công tác phòng, chống dịch nhưng trên thực tế còn nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mà nhiễm SARS-CoV-2 tại nơi làm việc cũng cần được bổ sung các chế độ bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
“Khi có yếu tố sinh học phát sinh trong môi trường làm việc gây nên bệnh, tổn hại đến sức khoẻ của người lao động thì cần xác định rõ các chính sách quy định về tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Hiện nay, Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động cũng đang tiến hành các nghiên cứu cụ thể để có đề xuất phù hợp, đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng, công bằng cho người lao động,” ông Thơ nhấn mạnh./.
Nguồn: Báo xây dựng