Bộ sạc dự phòng chạy bằng năng lượng mặt trời tiềm ẩn nhiều hạn chế
Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng hiện nay, việc tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch và bền vững trở nên ngày càng quan trọng. Pin dự phòng năng lượng mặt trời, một sản phẩm độc đáo kết hợp giữa công nghệ pin dự phòng và năng lượng tái tạo từ mặt trời, đã thu hút sự chú ý đặc biệt.
Loại pin này không chỉ giúp người dùng duy trì sự kết nối với thế giới số ngay cả khi không có nguồn điện, mà còn đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu pin dự phòng năng lượng mặt trời có thực sự là một giải pháp thay thế khả thi cho các loại pin sạc truyền thống hay không?
Pin dự phòng năng lượng mặt trời là một thiết bị lưu trữ năng lượng, sử dụng các tấm pin mặt trời để thu thập năng lượng từ ánh sáng mặt trời và chuyển đổi nó thành điện năng. Thiết bị này sau đó lưu trữ năng lượng điện trong các viên pin, thường là lithium-ion hoặc loại pin khác, để sử dụng khi cần thiết. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sạc các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh và nhiều thiết bị khác khi không có sẵn nguồn điện truyền thống.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của pin dự phòng năng lượng mặt trời là khả năng sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thiết bị này đặc biệt hữu ích trong các chuyến dã ngoại, đi phượt hoặc trong các tình huống khẩn cấp khi nguồn điện không khả dụng.
Sạc dự phòng chạy bằng năng lượng mặt trời cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa
Cấu tạo của pin năng lượng mặt trời thường bao gồm một hoặc nhiều tấm pin mặt trời, một bộ chuyển đổi năng lượng, một viên pin lưu trữ và các cổng kết nối để sạc thiết bị. Kích thước và công suất của thiết bị có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích sử dụng, từ các mô hình nhỏ gọn dành cho cá nhân đến các hệ thống lớn hơn dành cho nhóm người hoặc ứng dụng công nghiệp.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều ưu điểm, pin dự phòng năng lượng mặt trời cũng có một số hạn chế. Hiệu suất của chúng có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, với hiệu suất giảm đi đáng kể vào những ngày mây mù hoặc mưa. Ngoài ra, giá thành của các thiết bị này vẫn còn khá cao so với các loại pin dự phòng truyền thống.
Đặc biệt, theo một hoạt động thử nghiệm của trang web tin tức công nghệ kinh doanh ZDNet (Mỹ) được thực hiện với gần 20 sạc dự phòng năng lượng mặt trời, từ các thiết bị mua trực tuyến cho đến các thiết bị mua từ các cửa hàng cung cấp đồ cắm trại và ngoài trời. Kết quả, mọi thiết bị đều không hiệu quả và gây thất vọng, thậm chí có khả năng gây nguy hiểm.
Sử dụng một thiết bị như vậy có nghĩa là đặt một bộ sạc dự phòng chứa đầy pin lithium-ion dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp. Đó thực sự là một vấn đề lớn. Thử nghiệm cho thấy khi đặt một bộ sạc dự phòng dưới ánh nắng mặt trời vào một ngày nắng vừa phải có thể đạt nhiệt độ cao tới 80°C, mức cực kỳ nóng đối với pin lithium. Nhiệt độ đó không chỉ đẩy các thiết bị đến khu vực nguy hiểm mà còn có nghĩa là bộ điều khiển sạc có khả năng ngăn pin sạc, làm mất đi mục đích để sạc dự phòng ngoài nắng.
Một vấn đề lớn nữa là chưa bộ sạc dự phòng nào có thể sạc được mức tối đa từ năng lượng mặt trời, thậm chí điều này không đạt được ngay cả khi để sạc dự phòng ngoài nắng trong nhiều ngày khi chúng không bao giờ sạc đầy. Thậm chí, hầu hết chúng đều có thể sạc được một nửa mức pin có thể chứa. Kết quả này khiến các nhà thử nghiệm tin rằng bộ sạc dự phòng năng lượng mặt trời “thực sự không đáng mua”.
Hiệu suất của pin năng lượng mặt trời có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết như mây mù, mưa hoặc vào buổi tối. Điều này có nghĩa là chúng không phải lúc nào cũng có thể cung cấp nguồn điện ổn định và liên tục như pin sạc truyền thống.
Mặt khác, pin sạc truyền thống thường có giá thành rẻ hơn và khả năng cung cấp nguồn điện ổn định hơn. Chúng dễ dàng được sạc lại từ nguồn điện lưới và có thể sử dụng ngay lập tức mà không phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Việc sử dụng pin năng lượng mặt trời thay thế hoàn toàn cho pin sạc truyền thống có thể không phải lúc nào cũng phù hợp. Tuy nhiên, chúng có thể là một giải pháp tuyệt vời để tăng cường nguồn điện dự phòng, đặc biệt trong những tình huống cần thiết hoặc ở những nơi không có sẵn nguồn điện. Sự kết hợp linh hoạt giữa cả hai loại pin có thể tối ưu hóa hiệu suất sử dụng và đảm bảo nguồn năng lượng ổn định khi cần thiết.
Do đó, sự lựa chọn giữa pin dự phòng năng lượng mặt trời và pin sạc truyền thống phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng cụ thể và mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường của mỗi người. Cuối cùng, việc tích hợp và phát triển thêm các công nghệ mới sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa hiệu suất và tạo ra những giải pháp năng lượng bền vững cho tương lai.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện mặt trời
Tính đến hết năm 2019 có khoảng 1000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong lĩnh vực điện và điện tử, trong đó có 19 TCVN về hệ thống điện mặt trời. Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về điện mặt trời phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận.
Việc biên soạn các TCVN này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về tấm pin mặt trời hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn về an toàn điện của tấm pin TCVN 12232 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730; bộ tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng thiết kế của tấm pin TCVN 6781 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61215. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn đối với thành phần của hệ thống pin mặt trời như bộ TCVN 12231 về an toàn của bộ nghịch lưu inverter được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 62109 và các TCVN cho hộp kết nối, cáp điện, v.v…
Ngoài các tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố nêu trên, vẫn cần thiết phải bổ sung thêm các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng và tái chế pin mặt trời cũng như có các biện pháp quản lý chất lượng, nâng cao năng lực thử nghiệm, chứng nhận, công nhận nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Vân Thảo (T/h)