Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang

(Xây dựng) – Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Nhu cầu về nhà ở của lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay là rất lớn.

Khô hạn gặp mưa rào

Chia sẻ với Bộ Xây dựng về tình hình phát triển nhà ở cho ngành Công an, Trung tướng Lê Văn Tuyến – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhu cầu về nhà ở của lực lượng công an nhân dân hiện nay là rất lớn.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công an trong năm 2023, có hơn 45.000 cán bộ, chiến sỹ trong cả nước có nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu này còn hạn chế.

Một số nhà đầu tư đã tham gia xây dựng nhiều dự án NƠXH, nhưng nguồn cung vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đánh giá đề án xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang (LLVT) không khác gì “khô hạn gặp mưa rào”.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Luật Nhà ở năm 2023 đã có những điểm quy định cụ thể hơn về nội dung nhà ở cho LLVT nhân dân, là cơ sở pháp lý quan trọng; tạo hành lang pháp lý tốt để xây dựng nhà ở cho lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là cán bộ chiến sỹ trẻ, cán bộ chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”.

Cùng chung ý kiến, Thiếu tướng Hà Như Lợi – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng nhận xét: “Lần đầu tiên Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã đề cập tới chính sách phát triển nhà ở cho LLVT. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các dự án trong thời gian tới”.

Vướng thủ tục, thiếu nguồn lực

Mặc dù 2 ngành Công an và Quân đội có nhu cầu rất lớn về nhà ở, nhưng thực tế là các dự án phát triển nhà ở cho LLVT đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, chủ yếu là vướng mắc về thủ tục hành chính và thiếu nguồn lực về kinh phí.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến đánh giá các dự án phát triển nhà ở cho LLVT đang gặp vướng mắc về thủ tục hành chính và thiếu nguồn lực về kinh phí.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có một số nhà đầu tư sẵn sàng triển khai các dự án NƠXH, có thể cung cấp số lượng nhà ở tương đối lớn, từ đó hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 5.000 căn hộ nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao cho mỗi Bộ.

Về mặt chủ trương, Bộ Công an cũng đã thống nhất với UBND Thành phố Hà Nội, nhưng quá trình triển khai còn gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH còn rườm rà, mất nhiều thời gian để thực hiện, trong quá trình triển khai tại địa phương tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề mới.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 95/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 phê duyệt quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Thủ tướng đã thay đổi chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo quỹ đất an ninh dành cho ngành Công an, nhưng nguồn lực về kinh phí lại là một vấn đề hết sức khó khăn. Ngoài nguồn vốn ngân sách, ngành Công an rất khó huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng nhà ở công vụ.

Thậm chí, việc xây dựng trụ sở làm việc cho lực lượng Công an cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cả nước có hơn 8.000 xã, nhưng mới có khoảng 1.000 trụ sở làm việc độc lập cho Công an cấp xã. Vậy thì lấy đâu ra kinh phí để mà xây dựng nhà ở công vụ cho các cán bộ, chiến sỹ?

Đối với ngành Quân đội, ngày 31/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016 – 2020), trong đó có nội dung đất quốc phòng không có nhu cầu sử dụng sẽ chuyển sang đất xây dựng nhà ở cho quân đội.

Căn cứ vào Nghị quyết số 161, Bộ Quốc phòng đã triển khai một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở để tháo gỡ nhu cầu cấp bách về nhà ở cho LLVT nhân dân. Tuy nhiên, một số dự án đã không thể triển khai thực hiện do vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang có 8 dự án NƠXH không triển khai thực hiện được do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu phải đưa các khu đất của 8 dự án này vào phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Luật Đất đai năm 2024 đã tháo gỡ những vướng mắc này, nhưng Luật này chỉ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 nên hiện tại Bộ Quốc phòng vẫn đang gặp khó khăn để triển khai các dự án.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Thiếu tướng Hà Như Lợi – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý NƠXH.

Tăng cường phân cấp phân quyền, bố trí quỹ đất hợp lý

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý NƠXH, Bộ Công an kiến nghị phải bố trí quỹ đất phát triển NƠXH, nhà ở cho LLVT phù hợp với quy hoạch của địa phương và có vị trí thuận lợi.

Về mặt thủ tục, Bộ Công an kiến nghị cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa thủ tục và xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút và thúc đẩy nhà đầu tư phát triển NƠXH.

Đối với nội dung chuyển đổi công năng nhà ở do Bộ Quốc phòng quản lý sang làm nhà ở công vụ và NƠXH, Luật đã quy định tài sản này là tài sản công thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Vì vậy, Bộ Công an kiến nghị tăng cường phân cấp cho Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc sử dụng tài sản này đúng mục đích sử dụng và hiệu quả.

Bộ Công an cho rằng dự thảo Nghị định chưa quy định quá trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án cần phải có sự tham gia của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Điều này dẫn tới việc 2 Bộ bị động trong quá trình triển khai các thủ tục thực hiện dự án.

Vì vậy, Bộ Công an kiến nghị bổ sung nội dung: Đối với dự án đầu tư phát triển nhà ở cho LLVT nhân dân, cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư cần phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an các nội dung về nhà ở.

Để tạo điều kiện cho việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho LLVT, NƠXH phù hợp với các vị trí đóng quân của các đơn vị công an, Bộ Công an đề nghị nghiên cứu bổ sung cụm từ “nhà ở cho LLVT” tại Điều 17 về trường hợp phải dành một phần diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH.

Về nội dung loại nhà và tiêu chuẩn diện tích NƠXH được đầu tư xây dựng theo dự án, Bộ Công an đề nghị bổ sung nội dung: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ quy định diện tích nhà ở cho LLVT.

Cũng theo Bộ Công an, quy định điều kiện về mức thu nhập bình quân của đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH không quá 15 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp với thực tế và đặc thù của LLVT. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, không có khả năng mua được NƠXH.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiến nghị Chính phủ phải ban hành cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Do đó, Bộ Công an kiến nghị quy định mức thu nhập tính theo vùng miền, hoặc phân cấp phân loại đô thị, không nên quy định cụ thể mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Bộ Công an còn cho rằng dự thảo Nghị định chưa đáp ứng việc bảo mật thông tin của cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký mua, bán, thuê và cho nhà ở.

Vì vậy, cơ quan chủ trì cần phải nghiên cứu viết lại nội dung trình tự, thủ tục bán lại nhà ở cho LLVT theo hướng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết nội dung này nhằm bảo mật thông tin.

Đồng quan điểm với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù như cho mua nhà ở thương mại làm nhà ở cho LLVT, xem xét cho phép Luật Đất đai và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn từ ngày 01/07/2024, tạo điều kiện cho các Bộ đầu tư xây dựng 5.000 căn hộ NƠXH trong năm 2024 theo nhiệm vụ Chính phủ giao.

Đối với các khu đất quốc phòng đã có chủ trương về chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, phù hợp với quy hoạch của địa phương, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi và giao cho các doanh nghiệp quân đội lập dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho LLVT nhân dân.

Bộ Quốc phòng còn kiến nghị chỉnh sửa nội dung chỉ quy định xin ý kiến của địa phương về quy hoạch đấu nối hạ tầng kỹ thuật; bỏ quy định lấy ý kiến bằng văn bản về một số nội dung có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nơi có dự án nhà ở công vụ để cắt giảm thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn đề nghị không quy định điều kiện về thu nhập đối với những đối tượng thuộc LLVT nhân dân, đồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách riêng về phát triển nhà ở cho LLVT vì tính đặc thù về điều kiện và thu nhập của nhóm đối tượng này, không thể gộp chung với quy định về phát triển NƠXH.

Đồng tình với các kiến nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định việc rút gọn trình tự thủ tục đầu tư, đơn giản các thủ tục, đảm bảo tính bảo mật thông tin cho LLVT và ban hành các chính sách ưu đãi là những việc làm hết sức cần thiết.

Về trình tự, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu nội dung phân cấp cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo nội dung này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích