Bỏ phố về quê, cô gái mang khát vọng đưa gạo đặc sản quê hương “bay xa”
Bỏ phố về quê, cô gái mang khát vọng đưa gạo đặc sản quê hương “bay xa”
Cuộc sống đơn giản, yên bình được làm điều mình thích, cống hiến cho quê hương là những gì mà Bùi Thị Giang đã và đang thực hiện sau khi quyết định “bỏ phố về quê” để thực hiện ước mơ của mình.
“Bỏ phố về quê”
Bùi Thị Giang sinh ra và lớn lên ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái – miền quê nghèo của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Khi còn là một cô nữ sinh, Giang đã từng mơ ước được xuống Hà Nội lập nghiệp và ổn định công việc tại Thủ đô.
Năm 2011, cầm tấm bằng cử nhân Đại học Thể dục Thể thao 1 (Từ Sơn, Bắc Ninh), Giang có thể thực hiện ước mơ của mình, tìm một ngôi trường với mức lương ổn định tại Hà Nội để công tác. Thế nhưng, chị vẫn quyết định trở về quê hương để thực hiện điều mình ấp ủ bấy lâu nay.
Bùi Thị Giang quyết định “bỏ phố về quê” để thực hiện ước mơ của mình.
“Ước mơ là một phần nhưng sau đó mình cảm thấy không hợp với nhịp sống xô bồ, những chuỗi ngày chấm công rồi lạc lõng giữa thành phố rộng lớn nên đã quyết định trở về quê hương”, Giang tâm sự.
Những ngày đầu trở về quê, Giang luôn tự hỏi mình sẽ bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào? Khi ấy trong đầu cô chỉ xuất hiện ba chữ “gạo đặc sản”. Tuy nhiên, Giang luôn băn khoăn và muốn tìm ra hướng đi riêng cho mình. Từ đó, cái tên thương hiệu gạo đặc sản Văn Chấn ra đời.
Vốn sinh ra và lớn lên trên thung lũng Mường Lò, gia đình lại kinh doanh gạo trên 20 năm nên chị đã quá quen thuộc và có nhiều kinh nghiệm về gạo. Thị trường gạo vốn dễ làm ăn và là một mặt hàng thiết yếu nhưng chỉ buôn bán các mặt hàng gạo như gia đình đang làm thì chưa đủ nên Giang đã bỏ công sức đi khắp các làng bản, lên cả những vùng cao như Tú Lệ hay Mù Cang Chải để tìm hiểu.
Giang mong ước xây dựng và phát triển thương hiệu gạo đặc sản cho quê hương.
Mỗi vụ mùa, người đồng bào dân tộc ở thung lũng Mường Lò thu hoạch và mang lúa bán lại cho lái buôn với giá bán rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Thấy vậy, Giang bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu kỹ về loại đặc sản này.
Xác định được hướng đi, Giang thuyết phục bà con, vào tận nhà để hướng dẫn thu hoạch và trả một mức giá hợp lý, giúp bà con dân tộc bớt được cái nghèo. Khi có được nguồn nguyên liệu, chị lại băn khoăn tìm đầu ra và cách chế biến. Tuy nhiên, với kinh nghiệm kinh doanh gạo từ gia đình, các vấn đề này đã gỡ khó cho Giang phần nào.
Những ngày đầu chưa thuê được nhân công, vốn còn ít, chủ yếu chi hết vào việc nhập lúa nên một mình chị đảm nhận tất cả việc xay xát và đóng gói sản phẩm với sự trợ giúp của gia đình. “Cực nhưng nhìn thành quả là những bao gạo trắng ngon được gửi đi là mình vui lắm” – Giang vui vẻ nhớ lại.
Mang “hương rừng” ra phố
Giang chia sẻ, nếu loại gạo nếp cái hoa vàng hay nếp bình thường của đồng bằng bán ra với ra 30.000 – 35.000 đồng/kg thì gạo đặc sản Văn Chấn chỉ có ở thung lũng Mường Lò, Yên Bái này có giá cao hơn nhiều nhưng vẫn được mọi người ưa chuộng và tìm mua.
Hương vị gạo từ cánh đồng Mường Lò hay gạo đặc sản Văn Chấn được biết đến với độ mềm dẻo vừa phải, sự thơm ngon và đậm đà. Khách đến thưởng thức luôn bị ấn tượng bởi một mùi vị đặc trưng và khó quên.
Giang đã bỏ công sức đi khắp các làng bản, lên cả những vùng cao như Tú Lệ hay Mù Cang Chải để tìm hiểu về các loại lúa.
Ngoài thổ nhưỡng, khí hậu và kỹ thuật canh tác truyền thống, để có được sản vật mang thương hiệu đặc sản gạo Văn Chấn phải trải qua quá trình rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Lúa được người dân dùng máy tuốt từng bó để tách hạt. Để giữ được độ thơm ngon, lúa được phơi dưới nắng vừa, để gió hút hơi nước.
“Tuyệt đối không được phơi dưới trời nắng to, nhiệt độ cao. Vì như vậy sẽ làm hạt gạo bị gãy, màu trắng không đều, nấu chín sẽ không còn mùi thơm đặc trưng. Gạo được mang đi xay xát để không bị gãy và có màu sắc đẹp, giữ được hương vị thơm ngon”, Giang chia sẻ.
Ngoài những loại gạo đặc sản nổi tiếng, chị còn cung cấp nhiều loại gạo, nông sản khác cùng những loại mỹ phẩm chăm sóc da mặt từ gạo, lành tính và mang đặc trưng văn hóa, bài thuốc của bà con dân tộc nơi đây.
Gạo đặc sản Văn Chấn được biết đến với độ mềm dẻo vừa phải, sự thơm ngon và đậm đà.
Sau khi đứa con tinh thần “Gạo đặc sản Văn Chấn” được nhiều người đánh giá cao về chất lượng, Giang nghĩ đến việc phát triển thương hiệu nhằm đưa hương gạo mới của quê hương đi xa hơn.
Trước kia, nguồn khách chủ yếu của chị là những khách hàng lâu năm ở Yên Bái, cách tỉnh lân cận thì giờ đây, cô gái này muốn mang hương thơm, mang đặc sản của quê hương đến mọi miền của Tổ quốc.
“Mình vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó, thương hiệu gạo đặc sản quê mình vươn xa và được nhiều người biết đến hơn nữa”, Bùi Thị Giang tâm sự.