Bộ pháp điển đã hoàn thành 251/271 đề mục, đạt trên 93% khối lượng

Sáng 18/9, tại Hội trường C, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nhóm Cộng đồng luật Việt Nam – thuộc Viện Kinh tế Công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị “Giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển dành cho những người hành nghề luật, doanh nghiệp và sinh viên”.

Bộ pháp điển đã hoàn thành 251/271 đề mục, đạt trên 93% khối lượng
Trong khuôn khổ Hội nghị, TS.LS Nguyễn Hồng Thái – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Công nghệ Việt Nam trao quyết định cho Ban cố vấn Nhóm Cộng đồng luật Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh “Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật”, nhằm mục tiêu tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch và tạo sự tự tin của người dân, doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bộ pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành (từ Thông tư trở lên trừ Hiến pháp).

Trải qua 10 năm với những khó khăn trong việc tổ chức, triển khai thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, đến nay, Bộ pháp điển đã hoàn thành 251/271 đề mục, đạt trên 93% khối lượng. Như vậy, Bộ pháp điển của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã cơ bản hoàn thành. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã thông qua từng phần Bộ pháp điển, kết quả đăng tải ngay trên Cổng thông tin điện tử pháp điển độc lập và được sử dụng miễn phí.

Các nhà khoa học, nhà quản lý và nghiên cứu pháp luật đều đánh giá, việc khai thác sử dụng Bộ pháp điển trong thực tế sẽ đem lại nhiều tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu, thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật và góp phần tăng cường tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích