Bộ GTVT nói gì về đề xuất xây 3 trạm dừng nghỉ cao tốc dài nhất miền Tây?
Bộ GTVT nói gì về đề xuất xây 3 trạm dừng nghỉ cao tốc dài nhất miền Tây?
Theo dõi MTĐT trên
Bộ GTVT yêu cầu xác định vị trí, quy mô phù hợp xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng hồi đáp về đề nghị xây dựng trạm dừng nghỉ của dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Bộ GTVT cho hay, vị trí trạm dừng nghỉ cần được xác định theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN5729:2012 Đường ôtô cao tốc – Yêu cầu thiết kế.
Theo đó, dọc đường cao tốc nên bố trí và xây dựng các cơ sở phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường. Khoảng cách từ 50 – 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kĩ thuật thông thường. Trạm này có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn. Mỗi khoảng cách từ 120 – 200km nên bố trí một trạm phục vụ lớn.
Trạm này có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, ngoài ra còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển, có xét phù hợp với đối tượng khách chiếm đa số và còn phải có chỗ đỗ xe lâu.
Từ phân tích trên, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị nêu trên chỉ đạo tư vấn rà soát chung toàn tuyến, xác định vị trí trạm dừng nghỉ đảm bảo khoảng cách theo quy định. Bên cạnh đó, tính toán lưu lượng phương tiện, hành khách thông qua tuyến đường để xác định quy mô đề xuất cho từng trạm dừng nghỉ.
Trước đó, vào đầu tháng 12, TP Cần Thơ đề xuất Bộ GTVT cho xây dựng ba trạm dừng nghỉ trên dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 189km, thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
Theo UBND TP Cần Thơ, đề xuất cần được Bộ GTVT chấp thuận quy mô, vị trí các trạm dừng nghỉ để làm cơ sở cắm cọc giải phóng mặt bằng phù hợp.
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 189 km, điểm đầu giao đường tránh QL91, TP Châu Đốc, An Giang, điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Công trình đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang – 57 km, Cần Thơ – hơn 37 km, Hậu Giang – gần 37 km và Sóc Trăng hơn 58 km, được chia thành 4 dự án thành phần. Dự án có tổng vốn gần 44.700 tỷ đồng, bằng vốn ngân sách.
Theo Bộ GTVT, giai đoạn một của tuyến có quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc tối đa 80 km/h; vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành sau 3 năm. Toàn tuyến sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2026-2030 với quy mô 6 làn xe, rộng hơn 32 m.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị