Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng Hàng không Pleiku

Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng Hàng không Pleiku

Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Pleiku (Gia Lai) giai đoạn 2021 – 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cảng Hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế-ICAO) và sân bay quân sự cấp II.

Sân bay có công suất khoảng 4 triệu hành khách và 4.500 tấn hàng hóa/năm, đáp ứng khai thác các loại máy bay A320/A321 và tương đương. Tầm nhìn đến năm 2050, được quy hoạch cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II có công suất khai thác khoảng 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa/năm.

Bên cạnh đó, hệ thống đường cất hạ cánh thời kỳ 2021-2030 sẽ quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Đông (đầu 27) thêm khoảng 600 m lên thành 3.000 m x 45 m; tầm nhìn đến năm 2050 là giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh đã được quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Mặt khác, thời kỳ 2021-2030 quy hoạch sân đỗ máy bay phía Bắc đường cất hạ cánh, đồng bộ với khu hàng không dân dụng mới đáp ứng khoảng 14 vị trí đỗ. Tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch mở rộng đáp ứng khoảng 18 vị trí đỗ, có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

tm-img-alt
Phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Pleiku (Ảnh: Internet)

Cùng với đó, quy hoạch mới nhà ga hành khách khu vực phía Bắc đầu 27 đường cất hạ cánh kéo dài, công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách khi có nhu cầu để đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất khoảng 12.000 tấn hàng hóa/năm và có dự trữ đất phát triển.

Ngoài ra, Bộ Giao thông-Vận tải cũng giao UBND tỉnh Gia Lai cập nhật nội dung quy hoạch này vào các quy hoạch của địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật bổ sung các tuyến đường kết nối với Cảng Hàng không Pleiku vào quy hoạch của địa phương; bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo quy hoạch được duyệt, có phương án về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu phát triển mở rộng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích