Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận việc xây mới cầu đường sắt Y Na
Bộ Giao thông cho hay Bộ đã nhận được công văn của UBND thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đề nghị chấp thuận cho đầu tư xây dựng cải tạo cầu đường sắt Km30+430,19 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng.
(Ảnh minh họa: Quang Toàn/TTXVN) |
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc đầu tư xây dựng cải tạo cầu đường sắt Km30+430 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cho hay Bộ đã nhận được công văn của Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đề nghị chấp thuận cho đầu tư xây dựng cải tạo cầu đường sắt Km30+430,19 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh đề nghị xây dựng mới cầu đường sắt Y Na để mở rộng khẩu độ nhịp, xóa bỏ hạn chế về tĩnh không giữa đường bộ và đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện giao thông lưu thông dưới gầm cầu đường sắt.
Về đề nghị này, Bộ Giao thông Vận tải cho hay cầu Y Na Km30+421 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng gồm 2 nhịp dầm giản đơn bằng bê tông cốt thép có khẩu độ mỗi nhịp dầm là 5,72m, mố và trụ bằng bê tông cốt thép đặt trên móng nông. Hiện tại, trạng thái kỹ thuật của cầu ổn định, đảm bảo an toàn khai thác.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ trên địa phận thành phố Bắc Ninh, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý về chủ trương xây dựng mới cầu đường sắt tại vị trí cầu hiện tại Km30+430,19 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh với các yêu cầu sau:
Khổ tĩnh không tối thiểu của công trình đường bộ dưới gầm cầu đường sắt Km30+430,19 xây dựng mới phải tuân thủ quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 10 Nghị định số 56/2018/NĐ-CP; Điều 21 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Hồ sơ thiết kế phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đường sắt và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng; đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Sau khi hoàn thành công trình, việc bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
“Toàn bộ kinh phí khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt tại Km30+460,19 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng do địa phương chịu trách nhiệm chi trả cho đơn vị thực hiện; kinh phí quản lý, bảo trì cầu đường sắt sau khi hoàn thành công trình và bàn giao tài sản cho ngành đường sắt quản lý được lấy từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt được cấp hàng năm,” Bộ Giao thông Vận tải cho hay./.
Nguồn: Báo xây dựng