Bộ dữ liệu bụi PM2.5 đầy đủ chính xác nhất của Việt Nam
Bộ dữ liệu bụi PM2.5 đầy đủ chính xác nhất của Việt Nam
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Công nghệ (ĐHAGHN), ĐH Phenikaa, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) vừa công bố Bộ dữ liệu PM2.5 hàng ngày và đầy đủ thu được từ các quan sát không gian của Việt Nam từ năm 2012 – 2020.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Science of The Total Environment.
Trong phần tóm tắt, các nhà khoa học cho biết, ô nhiễm PM2.5 đang là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam và trên thế giới, có tác động xấu đến sức khỏe con người, động vật và môi trường. Việc giám sát thường xuyên ở quy mô lớn là rất quan trọng để đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí, xây dựng các giải pháp và đánh giá hiệu quả của việc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, các trạm quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam còn hạn chế.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã đề xuất một cách tiếp cận mới sử dụng một mô hình thống kê hiện đại có tên Mô hình Hiệu ứng hỗn hợp (MEM) dựa trên tập dữ liệu bao gồm các phép đo PM2.5 cả trên mặt đất, vệ tinh tích hợp độ sâu quang học Aerosol (AOD), bản đồ khí tượng.
Phương pháp mới trên cho phép họ ước tính được nồng độ PM2.5 hàng ngày từ năm 2012 đến năm 2020 trên lãnh thổ Việt Nam – nơi bị ảnh hưởng mạnh bởi điều kiện thời tiết nhiều mây.
Kết quả nghiên cứu là bộ dữ liệu bụi PM2.5 dài hạn, đầy đủ và chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam. Bản đồ nồng độ bụi PM2.5 trung bình hàng ngày được đo bằng mô hình MEM cho kết quả với độ chính xác cao hơn so với việc đo PM2.5 bằng các phương pháp chỉ đo trên mặt đất trước đây
Các bản đồ trung bình hàng tháng và hàng năm được tổng hợp từ năm 2012 đến năm 2020 ở Việt Nam có độ chính xác vượt trội khi so sánh với một bản đồ đo nồng độ PM2.5 toàn cầu khác
Các bản đồ nồng độ PM2.5 đã cho thấy sự phân bố theo không gian và sự biến đổi theo mùa của nồng độ PM2.5 ở Việt Nam trong thời gian dài từ 2012 đến 2020. Nó đã được sử dụng cho các nghiên cứu và ứng dụng khác liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng ở quy mô quốc gia mà trước đây không thể thực hiện được vì thiếu các trạm giám sát và cách tiếp cận mô hình PM2.5 thích hợp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị