Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, từ năm 2003 đến nay, để KH&CN ngày càng đóng góp thiết thực và toàn diện hơn cho phát triển kinh tế – xã hội, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) không ngừng được kiện toàn và củng cố.
Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ khẳng định “Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước về dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật”.
Cùng với sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong giai đoạn này đã đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Hai lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ trong giai đoạn này đã đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; về hoạt động của các tổ chức công nhận và chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa; việc chủ trì tổ chức giải quyết các tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật được làm rõ tại Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP.
Có thể nói, hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất, kinh doanh.
Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện với ba đạo luật cơ bản (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Đo lường) và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ điều chỉnh các hoạt động tiêu chuẩn hoá, quản lý chất lượng sản phẩm và đo lường trên phạm vi cả nước.
Cùng với sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ảnh minh họa
Nhận thức được vai trò và tầm trọng này, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì, tham gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngành Công Thương. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cũng như nghiên cứu rà soát để đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã thực hiện đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm,… Đồng thời, rà soát Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và Danh mục sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở đó, phê duyệt Quyết định số 891/QĐ-BCT ngày 12/4/2023 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung thay thế Thông tư số 33/2017/TT-BCT đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro hàng hoá.
Bộ Công Thương cũng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số văn bản như: Thông tư số 36/2019/TT-BCT; Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg. Đồng thời, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) góp ý đối với các chương trình, kế hoạch, dự thảo Luật, dự thảo Thông tư do Bộ KH&CN chủ trì, điển hình như: ý kiến xây dựng Kế hoạch phát triển đo lường quốc gia đến năm 2035; góp ý hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết việc xác định giá trị sản phẩm, hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ,…
Đối với việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành các tổ chức áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, đề nghị Bộ KH&CN thẩm định, công bố thêm 13 dự thảo TCVN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, bao gồm 7 TCVN về thuốc lá, nguyên liệu và sản phẩm thuốc lá, 06 TCVN về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đồng thời, Bộ Công Thương đã tổ chức thẩm tra các dự thảo TCVN thuộc lĩnh vực sành sứ, thuỷ tinh, cơ khí theo kế hoạch xây dựng TCVN và gửi Bộ KH&CN thẩm định.
Ngoài ra, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành 13 QCVN phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và thực hiện đăng ký QCVN sau khi ban hành gửi Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp và hoá chất,… Cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện QCVN dưới các hình thức như trả lời qua email, điện thoại, tham gia phổ biến tại các hội nghị do các Sở Công Thương tổ chức.
Đối với hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá (SPHH) trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành nhiều thông báo kiểm tra nhà nước đối với hàng hoá nhập khẩu và các sản phẩm tiền chất, vật liệu nổ công nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chất lượng lưu thông trên thị trường (hậu kiểm).
Nhìn chung, số lượng các cá nhân, tổ chức vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Qua hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm pháp luật nhằm hạn hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường các hàng hoá vi phạm so với trước đây.
Ý thức chấp hành luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá ngày càng được nâng cao. Tổng cục QLTT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các trung tâm thương mại, ban quản lý chợ và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn, đo lường theo quy định
Đối với hoạt động quản lý, áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, Bộ Công Thương đã tiến hàng khảo sát nhu cầu quản lý và triển khai truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá ngành Công Thương, trên cơ sở đó xây dựng Báo cáo khả thi Cổng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm, hàng hoá ngành Công Thương. Đồng thời, triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại” (iTrace247) nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hệ thống iTrace247, hỗ trợ xuất khẩu lưu thông hàng hoá cho các địa phương như Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã tổ chức Đào tạo tập huấn ứng dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại nhiều tỉnh, thành nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về truy xuất nguồn gốc trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là bước tiến quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng.
Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021-2030, ngày 31/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1110/QĐ-BCT phê duyệt chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong đó đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định số 1322/QĐ-TTg đối với ngành Công Thương.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá toàn ngành, Bộ Công Thương đã chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ trong các chiến lược, kế hoạch phát triển, tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy năng suất, chất lượng được triển khai đồng thời trong các chương trình, đề án hiện có của Bộ Công Thương trong các lĩnh vực: phát triển công nghiệp, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, khuyến công,…
Để giải quyết những tồn tại, vướng mắc cũng như phát huy hiệu quả các kết quả đã đạt được, trong năm 2024 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xây dựng, thực thi cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Trong đó, chú trọng việc đề xuất, góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuân thủ cam kết của hiệp định TBT về nghĩa vụ minh bạch hàng hoá; Tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình đề án quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN ngành Công Thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hoá cho chuyển đổi số, sản xuất thông minh, dịch vụ công minh.
Riêng đối với công tác quản lý chất lượng, Bộ Công Thương sẽ lập kế hoạch và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đo lường chất lượng đối với sản phẩm hàng hoá sản xuất, lưu thông trên thị trường.
An Dương