Bộ Công Thương: Đề xuất tiếp tục cấm tạm nhập khẩu trang y tế phòng dịch

Cụ thể, nội dung trên được nêu tại dự thảo Thông tư Bộ Công Thương đang lấy ý kiến. Đối tượng áp dụng là các thương nhân, tổ chức, cá nhân… kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Trên thực tế, theo quy định tại Thông tư 44/2020, việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế và trang phục phòng chống dịch đã bị dừng tới hết năm 2021. Nếu đề xuất mới của Bộ Công Thương được ban hành, việc dừng sẽ kéo dài thêm một năm nữa, hết năm 2022.

Khi dừng tạm nhập, tái xuất các mặt hàng này, Bộ Công Thương giải thích nhằm ngăn một số doanh nghiệp lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp khẩu trang y tế và đồ bảo hộ lao động. Nguy cơ này xuất hiện trong tình hình dịch bệnh dẫn đến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế tăng cao.

 Tiếp tục cấm tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ  buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp. Ảnh minh hoạ

Cho tới thời điểm hiện tại, nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cho rằng vẫn tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp nên đề xuất tiếp tục dừng tạm nhập, tái xuất.

Trong khi đó, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc ban hành Thông tư này.

VCCI góp ý rằng đây là biện pháp can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình hiện đã thay đổi, “chưa có đủ thông tin và số liệu thể hiện tính nghiêm trọng và nguy cơ của vấn đề”.

Thực tế, theo cơ quan này, một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới buôn lậu, gian lận thương mại với một mặt hàng nào đó là khoản lợi nhuận tiềm năng tại một thời điểm nhất định khi nhu cầu thị trường tăng đột biến.

Xét riêng với thị trường khẩu trang, năm 2021 đã có sự thay đổi lớn so với năm 2020 khi không còn tình trạng khan hiếm diện rộng hoặc cục bộ trên thị trường do thiếu hàng, ép giá. Có tình trạng thiếu trang thiết bị (trong đó có khẩu trang, găng tay y tế, trang phục chống dịch…) tại các cơ quan phòng, chống dịch nhưng VCCI cho rằng đó không phải do thiếu hàng hoá trên thị trường. Chưa kể, năng lực sản xuất khẩu trang, găng tay y tế trong nước đã được đảm bảo.

Với việc tiêm chủng vaccine diện rộng, dịch có thể được kiểm soát một phần. VCCI nhận định có cơ sở để cho rằng thị trường các mặt hàng như khẩu trang, găng tay y tế, bộ đồ phòng dịch trong năm 2022 sẽ diễn biến không phức tạp như năm 2020. Do đó lợi nhuận – yếu tố thu hút hoạt động buôn lậu, chuyển tải bất hợp pháp có thể biến mất.

Trong cùng diễn biến, tại thời điểm tháng 7/2021, sản lượng khẩu trang y tế xuất khẩu nửa đầu năm giảm nửa so với cùng kỳ 2020 khi ngành dệt may khôi phục đơn hàng truyền thống. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, sản lượng khẩu trang y tế xuất khẩu của Việt Nam đạt 20,07 triệu chiếc, giảm 6,5% so tháng 5. Tính chung nửa đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại, giảm khoảng 50% so với mức 557 triệu khẩu trang y tế xuất khẩu trong nửa đầu năm 2020.

Sản lượng khẩu trang y tế xuất khẩu giảm mạnh trong hai tháng 5 và 6, sau khi chạm mốc cao nhất nửa năm là 62,45 triệu chiếc trong tháng 4. Cuối tháng 6, chỉ còn 18 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu mặt hàng này, so với 100 doanh nghiệp cùng thời điểm của năm ngoái.

Khẩu trang y tế được tháo phanh xuất khẩu từ cuối tháng 4/2020 theo hướng không giới hạn số lượng, giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất mặt hàng này lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này thu hẹp do tình hình dịch bệnh tại các nước phát triển đã dần được kiểm soát nhờ các chiến dịch tiêm chùng.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có lượng đơn hàng các sản phẩm truyền thống dồi dào, quay trở lại nền lĩnh vực sản xuất chính. Đơn cử, Dệt may Thành Công nửa đầu năm thu 1.860 tỷ đồng, lãi 117 tỷ đồng nhờ các đơn hàng truyền thống dồi dào, bù đắp thiếu hụt đơn hàng PPE (khẩu trang và đồ bảo hộ).

Theo báo cáo của Bộ Công Thương hồi đầu tháng 6, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng hết quý III và cả năm. Thực tế này trái ngược với một năm trước khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, các doanh nghiệp chỉ có đơn hàng theo tuần.

Đơn hàng dệt may “đổ” về nhiều, theo giải thích của Bộ Công Thương, do nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng (quần áo, giày dép…) của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản… tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi và dần dỡ bỏ lệnh phong toả.

Diệu Hương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích