Bộ Công an: Quy định mới về kiểm định môi trường nước thải

Bộ Công an: Quy định mới về kiểm định môi trường nước thải

Ngày 18/12/2023, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 71/2023/TT-BCA về kiểm định môi trường nước thải. Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2024, đánh dấu một bước quan trọng trong việc quản lý nước thải tại các cơ sở.

Bộ Công an: Quy định mới về kiểm định môi trường nước thải
Ảnh minh hoạ. ITN

Thông tư mới thay thế cho Thông tư số 41/TT-BCA ngày 6/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, đưa ra các quy định cụ thể về quy trình kiểm định nước thải. Theo đó, việc thu mẫu phải được thực hiện đúng quy trình, bao gồm sự có mặt của chủ cơ sở nguồn thải hoặc người đại diện, và việc sử dụng các dụng cụ, phương tiện, thiết bị phù hợp để thu mẫu nước thải.

Nếu chiều sâu dòng nước thải nhỏ hơn 1 m, độ sâu thu mẫu nước thải nằm ở 1/3 chiều sâu dòng nước thải tính từ bề mặt nước. Nếu chiều sâu dòng nước thải lớn hơn 1 m thì thu ở độ sâu từ 20 cm đến 50 cm tính từ mặt nước. Với các cửa xả thải nhỏ và dạng thác thì chọn điểm thu mẫu ở giữa dòng nước thải. Trường hợp phải khuấy trộn dòng nước thải cho đều thì sau khi khuấy, phải để 5 phút cho cặn thô lắng xuống đáy mới tiến hành thu mẫu. Phải lọc rác trước khi cho mẫu vào dụng cụ chứa trung gian. Trong trường hợp thu mẫu để xác định các chất nổi và nhũ hóa thì phải tráng dụng cụ chứa trung gian bằng nước thải, đổ nước tráng đi rồi thu mẫu như bình thường.

Đặc biệt, Thông tư cũng đề cập đến việc bảo quản mẫu nước thải bằng hóa chất, yêu cầu thêm hóa chất theo quy định và đảm bảo việc bảo quản đúng quy trình để đảm bảo chất lượng mẫu.

Những mẫu nước thải cần bảo quản bằng hóa chất thì thêm hóa chất theo quy định tại Bảng tổng hợp thông số môi trường nước thải và kỹ thuật bảo quản tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo tiêu chuẩn quốc gia về bảo quản và xử lý mẫu nước. Sau khi thêm đủ lượng hóa chất, nạp bổ sung lượng nước thải cho đến khi đủ hoặc đầy như quy định thì vặn chặt nút bình. Cán bộ thu mẫu kiểm tra độ kín của bình chứa mẫu, nếu không đảm bảo thì phải thay bình chứa khác.

Phòng bảo quản thiết bị kiểm định môi trường cần có diện tích từ 15 m2 trở lên, có điều hòa, hút ẩm, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm; đảm bảo về nhiệt độ từ 10 ÷ 300C, độ ẩm: ≤ 80%; Phòng kiểm định mẫu môi trường cần tách biệt với phòng bảo quản thiết bị kiểm định môi trường, có trang bị bàn phân tích; tủ hút khí độc; giá hoặc tủ để vật tư, hóa chất; bồn rửa dụng cụ; điều hòa; quạt thông gió; bảo đảm về nhiệt độ trong khoảng 23 ± 70C và độ ẩm < 85%.

Ngoài ra, thông tư còn đưa ra các yêu cầu về điều kiện môi trường đối với các đơn vị kiểm định nước thải, như phòng bảo quản thiết bị kiểm định môi trường phải đảm bảo điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm để đảm bảo chất lượng kiểm định.

Thông tư số 71/2023/TT-BCA quy định trách nhiệm của cán bộ kiểm định nước thải và đơn vị quản lý cán bộ kiểm định, yêu cầu lập và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về kiểm định nước thải để đảm bảo việc kiểm soát chất lượng và bảo đảm chất lượng kiểm định nước thải.

Theo đó, cán bộ kiểm định nước thải có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình vận hành, sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải. Đảm bảo phương tiện, thiết bị được giao hoạt động bình thường, ổn định và đã được hiệu chuẩn hoặc kiểm định theo quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế ảnh hưởng theo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất; thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát chất lượng và bảo đảm chất lượng.

Đơn vị quản lý cán bộ kiểm định nước thải có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải bao gồm: lý lịch; hướng dẫn sử dụng; nhật ký sử dụng; giấy kiểm định hoặc hiệu chuẩn; sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị. Tổ chức bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải; mua sắm hóa chất, vật tư theo quy định, kịp thời sửa chữa phương tiện, thiết bị kiểm định đảm bảo công tác.

Đồng thời có trách nhiệm mở và lưu trữ hồ sơ về năng lực chuyên môn của cán bộ kiểm định, bao gồm: lý lịch khoa học; hồ sơ đào tạo, các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận liên quan; bảng thống kê năng lực kiểm định của cán bộ. Mở và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về kiểm định nước thải, bao gồm hồ sơ về thu mẫu, hồ sơ đo kiểm tại hiện trường, hồ sơ kiểm định mẫu nước thải và các văn bản, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc kiểm định.

Đơn vị kiểm định phải thiết lập và duy trì các yêu cầu về kiểm soát chất lượng, bảo đảm chất lượng, bao gồm các quy định về nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện môi trường, quản lý và sử dụng thiết bị, quản lý mẫu nước thải, kiểm soát tài liệu, hồ sơ kiểm định mẫu nước thải và các tài liệu liên quan.

Việc ban hành Thông tư Thông tư số 71/2023/TT-BCA phản ánh sự tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý của ngành Công an trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Với các quy định cụ thể và chi tiết, việc thi hành Thông tư số 71/2023/TT-BCA sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích