Bộ Công an cảnh báo về hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”

(Xây dựng) – Theo Bộ Công an, hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Gần đây, mô hình này được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam. Một số công ty đưa ra nhiều chiêu thức mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… để lừa đảo và trục lợi.

Bộ Công an cảnh báo về hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”
Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ du lịch không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.

Sở hữu kỳ nghỉ là mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một khu resort, khách sạn trong một thời gian cố định trong năm, tùy theo sự lựa chọn của người mua lúc đầu. Quyền nghỉ dưỡng này có thời hạn rất dài, có thể lên tới hàng chục năm.

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Bộ Công an đã phát đi thông tin cảnh báo về hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” với nhiều chiêu thức để lừa đảo, trục lợi.

Theo Bộ Công an, các thủ đoạn lừa đảo khách hàng thường gặp phải đó là: Đưa ra chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi…để lôi kéo người dân tham gia; Đưa hợp đồng với nhiều trang giấy A4, các điều khoản không rõ ràng, “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng; Khách hàng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí. Khách hành không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…

Khách hàng có thể gặp phải nhiều rủi ro khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, cụ thể như: Hợp đồng mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng dài hạn có thể kéo dài hàng chục năm, khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

Bên bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào; chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án/khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động này, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”. Bên cạnh đó, người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm. Kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Công an cũng đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch nhận được nhiều đơn thư của khách hàng khiếu nại, phản ánh liên quan đến hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”. Sau đó, đến tháng 6/2023, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản gửi các sở du lịch về việc tuyên truyền để du khách hiểu thông tin trước khi ký hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”.

Thanh tra Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Crow Royal Corp, Công ty Resort Vacations, Công ty Holiday Việt Nam có địa chỉ đăng ký tại Thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức hội thảo, chào mời khách mua hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” du lịch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích