Blockchain Bất động sản: Miếng bánh ngon hay là “cái bẫy” Nhà đầu tư?

Blockchain Bất động sản: Miếng bánh ngon hay là “cái bẫy” Nhà đầu tư?

Chu Trung- Châu Bình –  Thứ năm, 30/09/2021 07:42 (GMT+7)

Thị trường Bất động sản thời gian vừa qua đang nổi lên hoạt động đầu tư bằng Blockchain. Loại hình đầu tư kiểu mới này đang nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, cũng có nhiều cảnh báo rủi ro đối với loại hình đầu tư này.

Vốn vài triệu đồng cũng đầu tư được Bất động sản

Dịch Covid -19 đã có nhiều tác động đến các hoạt động kinh tế trong thời gian qua. Đối với lĩnh vực bất động sản, dịch bệnh đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khi đưa ra quyết định xuống tiền. Từ đó, buộc các nhà kinh doanh phải tìm hướng đi mới cho các sản phẩm địa ốc; Trong đó, nổi lên là hình thức mua chung bất động sản trên nền tảng Blockchain (Blockchain bất động sản) nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và chủ đầu tư bán hàng.

tm-img-alt

Blockchain Bất động sản là một hình thức đầu tư BĐS mới xuất hiện ở Việt Nam.

Theo đó, Blockchain Bất động sản xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2020, một số đơn vị đã cho ra đời ứng dụng mua bán trực tuyến. Qua đó, cho phép nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, nền đất có giá trị hàng tỉ đồng. Cụ thể, khi chủ bất động sản ký gửi, đơn vị có ứng dụng Blockchain sẽ tìm các nhà đầu tư để mua chung một bất động sản.

Ví dụ, một mảnh đất hoặc căn nhà có giá 2 tỉ đồng, sẽ được đơn vị ứng dụng blockchain chia nhỏ ra 1.000 phần và gắn mã số để chào bán. Khách hàng có thể mua một hoặc nhiều phần. Sau khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán lại các phần cho nhau nếu muốn chốt lời. Sổ đỏ được giữ tại văn phòng công ty có ứng dụng Blockchain, nhà đầu tư có thể xem giấy tờ bất cứ lúc nào. Khi đồng ý mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình.

Qua tìm hiểu, ngay từ cuối năm 2020, mô hình chia nhỏ bất động sản đã được một số đơn vị tung ra thị trường và nhận được sự chú ý đến từ giới đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư vốn ít tỏ ra hứng thú với loại hình mua chung bất động sản này.

“Cạm bẫy” nhiều rủi ro?

Blockchain được biết đến là một công nghệ lưu trữ và theo dõi bất cứ thứ gì, từ giao dịch ngân hàng, y tế, đất đai… một cách công khai, minh bạch và đã xuất hiện trên thế giới. Tuy nhiên, những tiềm tàng và rủi ro của loại hình đầu tư địa ốc này ở thị trường Việt Nam đang đặt ra nhiều nghi vấn cho nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, do còn rất mới mẻ, cách huy động vốn này cần thêm thời gian kiểm chứng và cần một vài thí điểm điển hình để đánh giá tính hiệu quả và nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt là khung pháp lý phải đảm bảo cho các giao dịch loại hình này hợp pháp và đúng luật. Tiêu chí sản phẩm phải quy định rõ ràng bao gồm pháp lý, thương hiệu chủ đầu tư, các cam kết và điều kiện đảm bảo đi kèm.

tm-img-alt

Nhiều rủi ro khi đầu tư bất động sản bằng Blockchain, dễ khiến nhà đầu tư vỡ mộng

Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng, có thể xác định việc “mua chung” bất động sản trên nền tảng Blockchain không phải là kinh doanh bất động sản, đó có thể là đầu tư tài chính hoặc đầu cơ trên nền tảng công nghệ. Theo ông, có ba cơ sở pháp lý rõ ràng mà nhà đầu tư có thể tham chiếu để xác định blockchain không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản.

Một là, theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, kinh doanh BĐS được hiểu là “việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng…” để sinh lợi, còn đây là đầu tư sở hữu token, hay đồng tiền do nền tảng tự phát hành.

Hai là, hợp đồng kinh doanh BĐS phải lập thành văn bản, phải đủ yếu tố cấu thành hiệu lực đảm bảo quyền lợi ích các bên.

Và ba là, nhà đầu tư không có quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng BĐS – trong khi đây là quyền cơ bản của người sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự.

Do việc mua chung hay sở hữu chung hiện nay pháp luật không cấm nên người dân cần lấy những giới hạn của luật pháp làm tham chiếu khi xác định một mô hình có hợp pháp hay không.

“Khi một bên trên blockchain sở hữu cho rằng đang sở hữu BĐS, cần xác định họ có đủ tư cách pháp lý để sở hữu BĐS hay nhận ủy thác đầu tư không. Ví dụ, một nền tảng công nghệ mà chủ sở hữu đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, không có pháp nhân tại Việt Nam thì họ sở hữu BĐS với tư cách gì? Hay một bất động sản ở Tây Ninh, Lâm Đồng kia thì việc sở hữu hợp pháp ra sao?”, ông Lộc dẫn chứng.

Theo Luật sư Lộc, khi một nền tảng Blockchain quảng cáo họ giữ giấy tờ nhà đất và việc đầu tư là “mua chung để đầu tư bán lại, không sở hữu quyền sử dụng BĐS”, đây là đầu tư tài chính. Nhà đầu tư cần hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là các “chiêu bài” tài chính và mô hình Ponzi trong huy động vốn đa cấp trên nền tảng công nghệ.

Khi cho rằng bị lừa hay tranh chấp, nhà đầu tư cần ý thức rất rõ rằng việc kiểm soát rủi ro theo phương pháp “chấp nhận rủi ro”. Việc đi kiện cáo sau đó để thu hồi tiền là câu chuyện dài, rất dài và kết quả họ thu được thường là bài học kinh nghiệm.

Đồng thời, khẳng định trong đầu tư kinh doanh, Nhà nước có vai trò hoạch định hàng lang pháp lý để đảm bảo tính công bằng và bảo vệ các bên tham gia. Cơ quan chức năng thực thi luật pháp nhằm đảm bảo môi trường đầu tư công bằng….

Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, cũng đưa ra cảnh báo về việc nhà đầu tư đang có thể bị nhầm lẫn trong khái niệm ở đây. Nhìn qua các mô hình được giới thiệu với cái gọi là “blockchain bất động sản” hiện nay thực ra đây chỉ là công nghệ fintech về huy động vốn dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cụ thể hơn đó là việc chẻ nhỏ thành các phần vốn góp để huy động vốn hợp tác đầu tư linh hoạt hơn. Các ứng dụng được tung ra chỉ làm thay cho các hợp đồng hợp tác bằng giấy. Những người tham gia đầu tư nên hiểu rằng người góp vốn hoàn toàn không sở hữu, đứng tên bất động sản, cũng không sở hữu phần vốn hoặc cổ phần của công ty. Đây là một rủi ro mà các nhà đầu tư cần lường trước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích