Bình Thuận: Ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, nâng cao chất lượng nông sản

Người dân ứng dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác để tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản. Ảnh ST

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ được xem là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân, cũng chia sẻ quan điểm rằng phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng thị trường quốc tế với gần 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đàm phán.

Tại Bình Thuận, một trong những bước đột phá trong chế biến nông sản là ứng dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm vào quá trình chế biến. ThS. Phan Văn Hiệp – Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, các thiết kế sáng tạo của thiết bị như bẫy nhiệt mặt trời đặt phía trên máy sấy, hay đưa lên trên mái nhà xưởng, tích hợp công nghệ tách ẩm ngõ vào cho nông, hải sản; kiểm soát nhiệt độ sấy; khử vi sinh và nấm mốc bằng công nghệ UVC; điều khiển và giám sát trên LCD hay điện thoại thông minh.

Việc ứng dụng sấy khô nông sản bằng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm hiện nay được thiết kế tiện lợi, không đòi hỏi diện tích rộng lớn, sản phẩm sau khi sấy duy trì được hàm lượng dinh dưỡng, có thể kiểm soát nhiệt độ theo ý muốn. Các máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; gia tăng độ đồng đều sản phẩm và sấy nhanh; giữ nguyên hình, nguyên màu, nguyên vị; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản lâu hơn và tiết kiệm nhân công…

Phương pháp này khắc phục được những hạn chế của phương pháp chế biến nông sản truyền thống, như khâu phơi nắng nông sản cần nhiều diện tích, dễ hư hỏng do mưa bất ngờ, chim chóc, một số sản phẩm không khô như mong muốn sau khi phơi nắng. Khâu cấp đông hải sản tiêu tốn điện năng nhiều, phải có kho đông rộng rãi, vận chuyển khó khăn. Hoặc sấy gia nhiệt bằng chất đốt, bằng điện thì tốn nhiều thời gian, nhiên liệu, công suất sấy nhỏ.

“Các loại máy sấy ứng dụng năng lượng mặt trời tích hợp công nghệ tách ẩm hiện nay đều có thể ứng dụng sấy nông, hải sản của Bình Thuận như sấy thanh long thăng hoa, các sản phẩm chế biến từ thanh long, hạt điều, mực, cá…”, ThS. Phan Văn Hiệp chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết, việc giới thiệu các thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông, hải sản chủ lực của tỉnh. Cụ thể, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh lên đến gần 26.500 ha, với sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 570.000 tấn. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm mà còn gia tăng giá trị, phục vụ hiệu quả cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Về công tác đào tạo cán bộ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong 3 năm qua, Hội Nông dân thị xã La Gi (Bình Thuần) đã mở 10 khóa tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 530 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Các khóa học này tập trung vào phòng, chống sâu bệnh, quy trình sản xuất rau an toàn và kỹ thuật trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc sử dụng chế phẩm sinh học và hạn chế hóa chất độc hại cũng được chú trọng, giúp nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất nông sản an toàn.

Một mô hình đáng chú ý khác tại La Gi là kỹ thuật trồng tre tứ quý lấy măng, kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm nước. Ông Nguyễn Minh Thông – Phó phòng Công nghệ sinh học – Trung tâm Thông tin & Ứng dụng chuyển giao công nghệ tỉnh Bình Thuận cho biết, mô hình này đã cho năng suất măng cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Cây tre không chỉ là nguồn thực phẩm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, chống xói mòn, và cải thiện khí hậu.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến và sản xuất nông sản tại Bình Thuận không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của các chính sách nhà nước và nỗ lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, và nông dân, Bình Thuận đang hướng tới một tương lai nông nghiệp hiện đại, bền vững và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích