Bình Thuận khai thác hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi
Bình Thuận khai thác hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi
Hơn 600 ha rừng ở huyện Hàm Thuận Nam được khai thác để làm hồ thủy lợi Ka Pét, dung tích hơn 51 triệu m3, 1.844 ha rừng thay thế sẽ được trồng ở nơi khác.
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có tổng vốn hơn 874 tỷ đồng. Công trình đã được Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian kết thúc thực hiện dự án là cuối năm 2025. Theo kết quả kiểm kê, đánh giá hiện trạng có rừng của dự án Hồ chứa nước Ka Pét là 619,58 ha.
Diện tích rừng được khai thác để nhường đất cho dự án đang thuộc quản lý của 3 đơn vị, gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận; Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.
Hồ chứa nước có dung tích hơn 51 triệu m3, được xây dựng tại xã Mỹ Thạnh, trên diện tích gần 700 ha, trong đó có hơn 619 ha đang là rừng tự nhiên, gồm cả 3 loại: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.
Mục tiêu của Dự án xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét là nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41 ha (bao gồm: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng: 162,55 ha; rừng phòng hộ: 0,91 ha; rừng sản xuất: 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng: 45,85 ha) và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2019 – 2024, được chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng, chủ yếu được cấp từ nguồn NSNN.
Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và bảo đảm hạn chế tác động đến môi trường, hệ sinh thái do hoạt động xây dựng; bảo đảm an toàn và hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng công trình và thời gian thực hiện.
Đồng thời, bảo đảm trồng rừng thay thế phù hợp điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học đối với diện tích rừng trồng mới trong Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị