Bình Thuận: Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với dịch Covid -19

(TN&MT) – Trong bối cảnh dịch Covid – 19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, những tháng đầu năm 2021 nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm vượt qua khó khăn, tỉnh Bình Thuận đã kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh…

Bình Thuận đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp để thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh

Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh nhìn chung ổn định, có chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm năm 2021 ước tăng 7,53% so với cùng kỳ năm 2020, đứng vị trí thứ 6/20 tỉnh, thành phố miền Trung, Đông Nam Bộ. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, hoạt động thương mại nội địa duy trì tăng trưởng, xuất khẩu hàng hóa cải thiện rõ rệt (tăng 30,5%), lĩnh vực du lịch có nhiều cố gắng trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá.

Đồng thời, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,8%; 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 118 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 202,6% so với cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 3/2021 và định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng thu ngân sách đạt cao so với cùng kỳ, ước đạt 6.893 tỷ đồng, tăng 33,25% so với cùng kỳ, đạt 82,84% kế hoạch HĐND tỉnh giao; nhiều khoản thu tăng khá cao, có 04 khoản thu ngân sách nhà nước vượt so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Trong đó, Bình Thuận đã lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành và các chương trình, dự án…

Đến nay, Bình Thuận đã giải quyết dứt điểm 2/5 điểm nóng về môi trường, 03 điểm nóng cơ bản đã được kiểm soát tốt, không phát sinh thêm điểm nóng về môi trường mới; di dời 2/2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Hiện nay có 9/10 địa phương hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, phế liệu ra khỏi khu dân cư hoặc đã chấm dứt hoạt động, chuyển đổi nghề nghiệp. Qua đó, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm theo chương trình, kế hoạch đề ra và đột xuất. Đồng thời, tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp, đảm bảo tất cả các dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động….

Bình Thuận đã bố trí nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào ở địa phương

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, trong 6 tháng đầu năm kinh tế Bình Thuận cũng bị chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid -19 gây ra. Trong đó, ngành du lịch tiếp tục sụt giảm mạnh lượng khách quốc tế, khách nội địa; số doanh nghiệp đã giải thể tăng 39,77% (123 doanh nghiệp)….

Đặc biệt, từ giữa tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xuất hiện hàng chục ca nhiễm covid -19 trong cộng đồng khiến nhiều khu vực phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 chắc chắn tỉnh Bình Thuận sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế – xã hội trong tháng cuối năm 2021.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 với phương châm “Chống dịch như chống giặc” và phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống, sức khỏe cho người dân. Trong đó, tỉnh sẽ cân nhắc về cách làm, bước đi trong công tác phòng chống dịch, tùy vào tình hình và diễn biến của cả nước để đưa ra biện pháp từng thời điểm cho phù hợp.

Theo đó, các cơ cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh khẩn trương rà soát phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị mình; củng cố hoạt động Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K…Chuẩn bị tốt phương án tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, đồng thời, tập huấn cho cán bộ y tế, đảm bảo các yếu tố an toàn trong khi tiêm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong, trong 6 tháng cuối năm, Bình Thuận sẽ tập trung vào công tác tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đang thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó chú ý tháo gỡ khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, tập trung giải ngân đầu tư công, các công trình đã được công khai ngân sách; phợp với các cơ quan Trung ương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư thi công các công trình trọng điểm, tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới như: Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh, Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719, đường ĐT.719B….

Bên cạnh đó, Bình Thuận sẽ tập trung giải quyết dứt điểm, kịp thời đối với với các hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất, dự án trọng điểm; tập trung rà soát, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư các dự án được gia hạn thời gian thực hiện. Tiếp tục nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai, góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh Bình Thuận năm 2021 đạt ở nhóm tốt, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh.

Ngoài ra, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh với nhiều hình thức, nhiều kênh nhằm phát triển thị trường khách du lịch mới, trước mắt tập trung các chương trình kích cầu du lịch nội địa để người dân lựa chọn Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong bản đồ du lịch. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các dự án du lịch có quy mô lớn sớm triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công đưa vào khai thác, kinh doanh.