Bình Thuận: Cửa ngõ vẫn còn “nặng mùi”
Bình Thuận: Cửa ngõ vẫn còn “nặng mùi”
Đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết là “cửa ngõ” dẫn vào khu du lịch quốc gia Mũi Né. Bao nhiêu năm qua, du khách khi vừa bước chân đến “cửa ngõ” này là đã cảm nhận ra ngay mùi hôi đặc trưng của các cơ sở chế biến hải sản, nước mắm ở đây.
Cụm công nghiệp Phú Hài này có chừng 60 cơ sở sản xuất nước mắm, bột cá, phân vi sinh, muối… Tùy theo mùa, vụ sản xuất mà mùi hôi do khí thải, nước thải sinh ra có khi phảng phất, có khi nồng nặc, bức bối, nhất là vào những ngày nắng nóng, khiến nhiều người qua đường phải bịt mũi. Tình trạng ô nhiễm mùi hôi của cụm công nghiệp chế biến hải sản này còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân xung quanh. Họ phải đóng cửa cả ngày để ngăn mùi hôi xộc vào nhà, hay ăn cơm trong mùng để chống ruồi, nhặng tấn công. Cử tri thôn Ung Chiếm đã nhiều lần chất vấn lên chính quyền trong các kỳ họp HĐND các cấp.
Trước tình hình đó, những năm qua đã có rất nhiều cuộc họp, nhiều giải pháp được chính quyền áp dụng để giải quyết mùi hôi phát sinh từ cụm công nghiệp có mùi này. Thậm chí Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh đã có 2 cuộc giám sát công tác bảo vệ môi trường ở cụm công nghiệp Phú Hài. Thế nhưng ô nhiễm mùi hôi từ các cơ sở chế biến bột cá, nước mắm và phơi hải sản ở đây vẫn không thể giải quyết dứt điểm được. Chỉ có một cách giải quyết dứt điểm là phải di dời toàn bộ Cụm công nghiệp Phú Hài đi nơi khác, xa khu dân cư, xa khu du lịch. Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương tìm địa điểm di dời cụm công nghiệp này, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Có lẽ việc di dời cả một cụm công nghiệp có mùi ra khỏi nội đô cũng không dễ dàng?
Trong phát triển kinh tế có những ngành, nghề luôn mâu thuẫn, xung đột gay gắt, thậm chí triệt tiêu nhau. Dẫn chứng như giữa du lịch và thủy sản có chuyện: ngư dân giăng lưới bắt tôm hùm con và vô tình “bẫy” luôn du khách lướt ván diều, ván buồm; ghe thuyền neo đậu sát bãi tắm, xả rác, chất thải, dầu nhớt cặn xuống làm ô nhiễm cả bãi tắm; làng nghề hấp, phơi cá cơm xả nước thải, làm phát sinh ruồi, nhặng, mùi hôi tấn công vào các resort bên cạnh, nơi du khách đang nghỉ dưỡng…
Chính quyền buộc phải giải quyết các mâu thuẫn, xung đột này nếu không sẽ mất khách, nhưng phải làm từng bước một vì còn liên quan tới sinh kế của cư dân vùng biển. Trong trường hợp này, cụm công nghiệp có mùi Phú Hài nằm án ngữ ngay “cửa ngõ” vào, ra khu du lịch quốc gia Mũi Né là không ổn chút nào. Bởi vì Chính phủ đã quy hoạch Mũi Né trở thành “một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Hơn nữa sát bên còn sắp hình thành một công viên sinh thái rừng ngập mặn của TP. Phan Thiết.
Du lịch Bình Thuận đang khởi sắc rõ rệt sau khi có cao tốc, tỉnh đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia “Bình Thuận – hội tụ xanh”, đồng thời phát động phong trào toàn dân “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp” cũng nhằm tận dụng cơ hội này để tăng tốc phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Cần nhanh chóng khắc phục tồn tại kể trên, sớm di dời cụm công nghiệp có mùi Phú Hài, để “cửa ngõ” vào khu du lịch quốc gia Mũi Né thông thoáng, sạch đẹp và cuộc sống của người dân nơi đây không còn bị ô nhiễm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị