Bình Phước: Phát triển nhà ở còn gặp nhiều “rào cản”

(Xây dựng) – Cơ chế, chính sách, tài chính và trình tự thủ tục là những “rào cản” khiến cho kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tại Bình Phước gặp nhiều khó khăn.

Bình Phước: Phát triển nhà ở còn gặp nhiều “rào cản”
Vẫn còn nhiều khó khăn đối với phát triển NƠXH tại Bình Phước.

Từ năm 2022, tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1683 về việc phê duyệt Đề án phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh. Cùng với Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Phước đã bố trí 9 khu đất để triển khai thực hiện các dự án NƠXH.

Từ những kế hoạch đó, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 10.996 căn hộ trên diện tích đất khoảng 55,59ha. Giai đoạn 2026-2030 xây dựng khoảng 33.248 căn hộ với diện tích đất khoảng 173,2ha. Đến nay, tỉnh Bình Phước đã hoàn thành đưa vào sử dựng 02 dự án NƠXH với 800 căn hộ.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng NƠXH, năm 2024, tỉnh Bình Phước xác định sẽ đầu tư xây dựng 600 căn. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước đang triển khai được 400 căn. Đồng thời, đang thực hiện các thủ tục triển khai Khu chung cư NƠXH thiết chế công đoàn với quy mô khoảng 1.250 căn hộ, dự kiến sẽ khởi công trong cuối quý II/2024.

Được biết, để thúc đẩy tiến độ xây dựng NƠXH, UBND tỉnh Bình Phước đã gắn trách nhiệm của nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20%. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng NƠXH. Đồng thời, tiến hành lựa chọn các quỹ đất có kết nối hạ tầng thuận lợi để thực hiện dự án nhà ở xã hội phục vụ cho phát triển công nghiệp và an sinh xã hội…

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Phước cũng cho biết, việc đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ chế, chính sách, tài chính và trình tự thủ tục.

Cụ thể, về cơ chế chính sách về ưu đãi đối với nhà đầu tư xây dựng NƠXH chưa được ổn định và thường thay đổi qua từng thời kỳ, như việc dành 20% tổng diện tích đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua NƠXH, giảm chi phí dịch vụ quản lý vận hành sau khi đầu tư; Có sự khác biệt trong ưu đãi về dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở thương mại giữa dự án NƠXH độc lập và xây dựng NƠXH trong dự án nhà ở thương mại. Trong khi chờ chuyển tiếp để thi hành Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) thì hiện nay Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ không còn quy định ưu đãi 20% để xây dựng nhà ở thương mại nên sẽ khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Cùng với đó, việc bố trí và giải ngân nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng và mua NƠXH còn nhiều khó khăn về điều kiện và trình tự thủ tục.

Bên cạnh đó, các trình tự thủ tục để đầu tư xây dựng dự án NƠXH còn nhiều bất cập bởi phải thực hiện qua rất nhiều trình tự thủ tục của nhiều quy định pháp luật khác nhau như về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, nhà ở, đầu tư, đấu thầu, xây dựng… nên thời gian để thực hiện được dự án đầu tư xây dựng NƠXH là rất nhiều.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích