Bình Phước nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội

(Xây dựng) – Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội tỉnh Bình Phước năm 2022 cuối tuần qua, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã cam kết với nhà đầu tư sẽ tạo mọi điều kiện và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn khi phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tỉnh Bình Phước phát triển toàn diện, vững chắc.

binh phuoc no luc de phat trien nha o xa hoi
Bình Phước nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội.

Thực tế và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội tại Bình Phước

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bình Phước, hiện trên địa bàn có 02 dự án nhà ở xã hội độc lập với 710 căn và 01 dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội 137 căn đã hoàn thành. Số lượng nhà ở xã hội được xây dựng đáp ứng không đáng kể nhu cầu về nhà ở cho người lao động trên địa bàn, do còn nhiều hạn chế bất cập, nhất là đối với công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 54 dự án phát triển nhà ở có bố trí đất nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 321ha.

Ông Võ Tất Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha, tỷ lệ lấp đầy trên 41% và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trên 28.000ha. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự kiến mở rộng thêm 10.400ha diện tích đất khu công nghiệp. Hiện tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú, quy mô trên 6.300ha tại địa bàn 02 xã Tân Hòa và Tân Lập, huyện Đồng Phú. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng thành lập 09 cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến thành lập 32 cụm công nghiệp, diện tích trên 1.800ha.

“Với việc hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp đã và đang thu hút lớn các chuyên gia, công nhân đến địa bàn tỉnh để sinh sống và làm việc. Từ đó đặt ra yêu cầu cần giải quyết về nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội, vui chơi giải trí, đặc biệt là quỹ nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, do nhu cầu về nhà ở xã hội lớn nên UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có hơn 156.000 người có nhu cầu nhà ở xã hội. Theo đó, giai đoạn 2022-2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173ha. Các dự án tập trung ở thành phố Đồng Xoài (02 dự án), Chơn Thành (04 dự án), Đồng Phú (09 dự án), Hớn Quản (02 dự án), Lộc Ninh (01 dự án). Qua đó, sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người (chiếm khoảng 85% tổng nhu cầu), trong đó có khoảng 123.000 người thuộc nhóm đối tượng công nhân, 10.000 người thuộc các nhóm đối chính sách tượng còn lại.

Tại Hội nghị, Bình Phước mời gọi đầu tư 9 dự án nhà ở xã hội trong năm 2022 với tổng diện tích gần 63ha, gồm 06 dự án nhà ở cho công nhân tại Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành; 03 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20%. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội được quy hoạch ở những vị trí thuận lợi, gần khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các trục đường giao thông của khu vực.

Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ đặc biệt

Phát biểu tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội, bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, lần đầu tiên Bình Phước tổ chức Hội nghị với chủ đề này, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Hội nghị là cơ hội để tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc, thông tin đến doanh nghiệp về tình hình phát triển nhà ở xã hội, những lợi thế và định hướng đầu tư trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cũng như lắng nghe ý kiến, các đề xuất từ doanh nghiệp để tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trong thời gian tới.

“Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bình Phước xác định phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ; đến 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Do đó, nhà ở xã hội được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh”, bà Hiền cho biết thêm.

Để có thể phát triển được nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, TS Trương Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã góp ý một số chủ trương, chính sách và giải pháp cần thực hiện trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, Bình Phước nhất thiết phải đồng thời quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Ngoài ra, tỉnh cần sớm lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, có cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời, tỉnh cần đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm. Bên cạnh đó, tỉnh cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác thực hiện.

Cùng quan điểm đó, bà Hồ Thị Lan Chi – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất – Xây dựng – Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương lại kiến nghị các chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư và người mua nhà ở xã hội. “Bên cạnh chính sách hiện có, Nhà nước cần xem xét tạo cơ chế cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất để thực hiện dự án. Nếu là đất sạch Nhà nước trực tiếp giao đất hoặc làm cầu nối để doanh nghiệp được nhận bàn giao đất từ người có đất. Trong trường hợp phải đền bù đất cho người dân để thực hiện dự thì cơ quan chức năng cần quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý, đền bù, giải tỏa, thu hồi đất để sớm triển khai dự án.

Ngoài ra, Nhà nước cần cho phép tăng mật độ xây dựng và không cứng nhắc trong quy định mẫu thiết kế nhà, cho phép nhà đầu tư được tự quyết định số tầng xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu vực thực hiện dự án để nâng cao hệ số sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với giá bán, nhà đầu tư cũng mong muốn được tự quyết định giá bán vì hay gặp rủi ro trong quá trình thi công, hoàn thành dự án. Bởi các chi phí đầu vào luôn biến động như trượt giá nguyên vật liệu, chi phí lãi vay, giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng mặc dù được ưu đãi về thuế đất nhưng bị khống chế về giá, lợi nhuận”, bà Lan Chi nhấn mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích