Bình Phước: Đẩy mạnh xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
(Xây dựng) – Hướng dẫn xử lý dịch vụ công trực tuyến và giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư trên môi trường điện tử là mục tiêu mà tỉnh Bình Phước tập trung triển khai trong thời gian qua.
Tỉnh Bình Phước triển khai hiệu quả xử lý thủ tục hành chính công trực tuyến trong thời gian qua. |
Hưởng ứng Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực hướng dẫn công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết, đây là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, đời sống văn hóa, xã hội ở địa phương, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết, xử lý các thủ tục, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử của tỉnh hiện đạt gần mức tuyệt đối (gần 99%). Trong đó, hơn 80% TTHC ở địa phương được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thực hiện toàn bộ trên môi trường mạng) và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tất cả các khâu giải quyết TTHC về đầu tư được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định.
Điều này tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đã có dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh ở Bình Phước dễ dàng mở rộng hoạt động, đầu tư thêm dự án mới. Điển hình có thể kể đến Công ty Kuka Home Việt Nam; CP Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Japfa; lốp xe Haohua – Trung Quốc… Ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách, giải quyết TTHC cũng góp phần giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, hỗ trợ tối đa công dân khi tham gia sử dụng dịch vụ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trước đây, để giải quyết một TTHC, người dân phải đến nhiều phòng, ban khác nhau, thậm chí đi lại nhiều lần cho đến khi hoàn thành. Tuy nhiên, vấn đề này gần như được xử lý triệt để sau khi địa phương triển khai thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính công trên môi trường mạng.
Ghi nhận công tác xử lý hồ sơ điện tử đã rút ngắn tối đa 60% thời gian giải quyết thủ tục thông thường. Hiện, tỉnh cũng đã ban hành danh mục hơn 1.000 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy trình khép kín từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số đến trả kết quả ngay trên chính môi trường mạng.
Ngoài ra, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn cho người dân, tổ chức cũng đạt mức cao (hơn 99%) và chỉ số về mức độ hài lòng của người dân trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ luôn duy trì từ 98% trở lên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, công tác hành chính trong lĩnh vực tư pháp là dịch vụ công có tính đặc thù bởi hệ thống pháp luật còn tương đối phức tạp, đòi hỏi sự chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, khó tiếp cận với một bộ phận người dân. Tuy nhiên, kể từ khi ứng dụng chuyển đổi số vào giải quyết TTHC, thời gian tiếp nhận, xử lý cho công dân, doanh nghiệp, tổ chức… tại địa phương ghi nhận đã giảm 50% thời gian so với trước đây.
Ông Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước cho biết, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến giúp hạn chế tối đa chi phí phát sinh. Hiện Sở cũng chỉ đạo giải quyết những hồ sơ đầy đủ, đúng quy định ngay trong ngày, không để xảy ra tình trạng chờ đợi.
Nguồn: Báo xây dựng