Bình Giang – Hải Dương: Chính quyền xã Tráng Liệt có xẻ thịt đất công?

(TN&MT) – Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở xã Tráng Liệt cũ, nay là thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương hết sức bức xúc khi bỏ tiền mua đất xây nhà ở từ nhiều năm qua nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo nhân dân phản ảnh, người dân mua, địa phương thu tiền, giao đất, cho các hộ xây dựng nhà.

Bán cả dãy phố, sân trường

Theo phản ảnh của ông N.V.A và một số người dân với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2012 đến năm 2017, xã Tráng Liệt bán rất nhiều đất cho người dân làm nhà ở. Những diện tích đã bán cho người dân là sân trường, đất công, đoạn phố, đất cạnh đường giao thông, ao san lấp rồi bán…

Đó là tuyến đường Âu Cơ, xã đã bán khoảng 15 lô đất, thuộc sân trường THCS cũ. Đường Minh Hiền, xã đã bán khoảng 28 lô đất. Tuyến đường này có người mua 1 lô, 2 lô, 3 lô, thậm chí có hộ mua cả dãy với chiều dài mặt đường tới 45m để xây dựng công trình dịch vụ lớn. Đường Chu Văn An, gốc là đất của trường THCS bị “xẻ thịt” 10 lô, có 3 chủ đã mua cả 10 lô này. Khu Ao Rùa xã cũng cho san lấp rồi bán cho một số hộ dân. Hàng chục lô còn lại được xây dựng nhiều nhà trọ cho thuê không rõ chủ đất….

Xã bán khoảng 15 lô đất đường Âu Cơ, hầu hết người dân đã xây dựng nhà.

Những lô đất mua cách đây gần chục năm, người đân phải bỏ ra sáu, bảy trăm triệu đến cả tỷ đồng để mua một lô đất. Mỗi lô đất xã giao có diện tích khác nhau. Người dân mua đất có phiếu thu của UBND xã. Chờ đợi quá lâu, người dân đặt câu hỏi vì sao địa phương bán đất lại không làm thủ tục cấp giấy CNQSD đất cho dân?.

Đường Minh Hiền hàng chục lô đất xã bán đã xây nhà hàng, nhà ở.

Phiếu thu ngày 22/6/2015, thu của bà P. T. H., số tiền thu 200 triệu đồng, do thủ quỹ Trần Tuấn Hảo thu, nội dung đặt cọc tiền mua đất Khu dân cư Khu Hạ….Tất cả các phiếu thu tiền mua đất do người dân cung cấp được ghi rõ ngày, tháng, có chữ ký của thủ quỹ, được đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt. Phiếu thu ngày 7/9/2012, thu của ông P. Đ. T., số tiền 500 triệu đồng, nội dung tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS xã Tráng Liệt (Đợt 1), do thủ quỹ Trần Tuấn Hảo thu. Phiếu thu ngày 13/5/2013, thu của ông V.Đ.H., số tiền 500 triệu đồng, nội dung tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS xã Tráng Liệt, do thủ quỹ Trần Tuấn Hảo thu. Phiếu thu ngày 5/12/2013, thu của ông C.V.C., số tiền 300 triệu đồng, nội dung tạm thu tiền thanh lý đất công, do thủ quỹ Trần Tuấn Hảo thu.

Một phiếu thu ghi rõ tạm thu tiền mua đất sân trường.

Người dân có bị lừa?

Theo kết luận số của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, ngày 31/10/2017 về công tác quản lý, sử dụng đất ở xã Tráng Liệt, số liệu thống kê năm 2014 của xã, thì tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 206,33 ha nhưng tới thống kê năm 2015 diện tích này lại là 233,03ha. Số liệu thống kê đất đai năm 2014 thể hiện UBND xã Tráng Liệt quản lý 8,81 ha đất nông nghiệp nhưng số liệu thống kê năm 2015 lại không có đất nông nghiệp do xã quản lý? Nhưng theo báo cáo khác của UBND xã Tráng Liệt thì xã hiện đang quản lý 10,2 ha (thời điểm 2017). Như vậy việc thống kê đất đai, sử dụng đất đai ở xã Tráng Liệt thời kỳ đó khá lộn xộn.

Năm 2018, trả lời kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, xã Tráng Liệt lại báo cáo với cơ quan có thẩm quyền rằng hàng chục hộ dân ở đây tự lấn chiếm, tự xây dựng nhà ở. Không hề đả động tới việc xã bán đất thu tiền? Phải chăng người dân ở đây bị xã lừa?

Báo cáo với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 62 hộ gia đình lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép. Song thực tế không phải như vậy, các gia đình này đã bỏ tiền ra mua đất, có phiếu thu của xã đóng dấu treo. Thủ quỹ của xã trực tiếp thu tiền. Hết năm này sang năm khác, người dân ngóng đợi được cấp “sổ đỏ”. Nhưng bán đất trái phép làm sao được huyện cấp giấy CNQSDĐ?

Vì thế lãnh đạo xã Tráng Liệt đã nghĩ ra cách cấp cho hộ dân ở đây một loại “Giấy xác nhận quyền sử dụng đất” để xây dựng nhà, do UBND xã Tráng Liệt tự làm? Loại giấy này ghi trích lục bản đồ khu dân cư, có số tờ bản đồ, vị trí đất, số lô đất, diện tích lô, các phía tiếp giáp với lô đất. Nguồn gốc đất do UBND xã giao. Có giấy ghi rõ là “Đất công do UBND xã giao”? Xã cũng chứng nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính? Giấy do chủ tịch UBND xã ký tên, đóng dấu UBND xã Tráng Liệt. Thời điểm cấp giấy chứng nhận từ 2007 đến 2011.

Xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân?.

Ai là người ?tự tung tự tác”?

Việc bán đất tràn lan, vô tội vạ suốt nhiều năm ở xã Tráng Liệt chắc chắn phải do lãnh đạo và cán bộ UBND xã thực hiện. Theo một số cán bộ, đảng viên làm việc trong thời điểm đó cho biết, việc bán đất thu tiền được lãnh đạo UBND ra quyết định mức tiền mỗi 1m2 và giao cho thủ quỹ của xã thu tiền. Số tiền được nộp cho ai để vào ngân sách xã, hay tài khoản nào, chi tiêu thế nào là những câu hỏi của người dân dành cho cơ quan chức năng?

Theo người dân ở xã Tráng Liệt, chỉ cần có quan hệ với Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt giai đoạn 2011-2020 là có thể mua đất, làm nhà, miễn là nộp đủ tiền cho thủ quỹ.

Đất của trường THCS bị cắt bớt bán cho các hộ dân.

Không chỉ có bán đất làm nhà, tất cả các diện tích của hàng trăm hộ, chủ cơ sở sản xuất có nguồn gốc là đất nông nghiệp, đất giao thông, thủy lợi mua của dân hoặc lấn chiếm đều được xây dựng khi nộp tiền cho xã. Mỗi hộ xây dựng nộp cho xã vài chục đến trăm triệu đồng là được xây dựng. Suốt nhiều năm qua, ông Hưng và một số đồng sự đã tự tung tự tác thực hiện bán hàng chục lô đất cho nhiều người ở trong xã, ở thị trấn Kẻ Sặt và một số địa phương lân cận.

Trao đổi các sự việc nêu trên, ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: Cuối năm 2019, xã Tráng Liệt được sáp nhập vào thị trấn Kẻ Sặt. Trước khi sáp nhập tôi làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt nên những việc bán đất, thu tiền, cho xây dựng trái phép tôi không nắm được. Tôi sẽ cho cán bộ chuyên môn kiểm tra, thu thập tài liệu để làm việc với cơ quan báo chí.

Trao đổi nội dung sự việc với ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, ông Kiên khẳng định: Khi biết nội dung, một số chứng cứ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm sẽ giao cho Ủy ban Kiểm tra Đảng của huyện xác minh, làm rõ.

Rõ ràng việc buông lỏng quản lý đất đai, việc tự tung tự tác của lãnh đạo xã Tráng Liệt và một số cán bộ có biểu hiện lạm quyền, lợi ích nhóm. Phải chăng việc bán đất tràn lan, trái thẩm quyền, tự ý cho xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất… trên đất công, đất nông nghiệp nhiều năm mà các cấp lãnh đạo không biết. Hàng chục tỷ đồng tiền bán đất xã để vào tài khoản nào và thu chi thế nào? Đây có phải một số cán bộ lãnh đạo xã có dấu hiệu vi phạm pháp luật? tất cả các vấn đề này để nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin vụ việc này.

Bạn cũng có thể thích