Bình Giang – Hải Dương: Chính quyền xã có được bán đất công, đất nông nghiệp?

Trung tâm Hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.
Trung tâm Hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.

Chính quyền “ngang nhiên” bán đất công

Nhận được phản ánh của người dân sinh sống tại Thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, về việc chính quyền xã Tráng Liệt (cũ) nay sát nhập vào là Thị trấn Kẻ Sặt đã bán hàng trăm lô đất tại đường Âu Cơ, đường Minh Hiền, đường Nữ Vương Hòa Bình…

Cụ thể, theo như thông tin phản ánh và phóng viên tìm hiểu được thì trong tổng số 15 lô (có diện tích từ 72m² – hơn 100 m²) trên đường Âu Cơ, chính quyền xã Tráng Liệt đã bán 14 lô đất , chỉ còn lại 1 lô là trường Mần non Kẻ Sặt, khu đất tại đường Âu Cơ này trước kia là sân vận động trường THCS xã Tráng Liệt, khu đất này đối diện Trung tâm Hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.

Khu đất trên đường Âu Cơ, đối diện Trung tâm Hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.
Khu đất trên đường Âu Cơ, đối diện Trung tâm Hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.

Tại đường Minh Hiền, đất tại đây là đất 03 (đất nông nghiệp), đã được UBND xã Tráng Liệt quy hoạch làm khu công sở, đã được đền bù, giải phóng mặt bằng vào năm 1992, do ông Phạm Thanh Lâm, cán bộ xã làm công tác đền bù cho các hộ dân. Nhưng hiện nay, được tách ra thành 28 lô bán cho 9 hộ dân.

Khu đất tại đường Minh Hiền, giáp bên phải Trung tâm Hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.
Khu đất tại đường Minh Hiền, giáp bên phải Trung tâm hành chính – Văn hóa – Thể thao Kẻ Sặt.

Tại đường Sao Khuê, khu ao Rùa, được quy hoạch đất ở cho dân, do một Công ty có tên Sao Khuê đứng ra san lấp mặt bằng, nhưng hiện nay lại là khu xưởng và dãy nhà trọ. Khi phóng viên tìm hiểu thì được biết đây là khu nhà trọ do ông Quách Văn Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thị trấn Kẻ Sặt quản lý, thu tiền trọ?!

Dãy nhà xưởng, nhà trọ tại khu đất trên đường Sao Khuê.
Dãy nhà xưởng, nhà trọ tại khu đất trên đường Sao Khuê.

Đáng chú ý, nhiều thông tin cho rằng, khu đất phía sau trường THCS Kẻ Sặt tại đường Chu Văn An, trước đây là sân vận động trường THCS Kẻ Sặt nhưng nay đã được chia ra 10 lô, bán cho 04 hộ dân.

Theo ông Đ.T, người sinh sống tại đây cho biết: “Các ô đất ở đây được bán cho những người quen biết. Lần 1 nộp cọc 500.000.000 đồng cho UBND xã Tráng Liệt; lần 2, trước khi làm nhà, mỗi hộ phải nộp từ 100.000.000 đồng – 300.000.000 đồng, tùy vào diện tích.

Đối với các lô đất tại đường Âu Cơ (đất sân vận động trường THCS Tráng Liệt), UBND xã Tráng Liệt đã bán và thu tiền thì 700.000.000 đồng – hơn 1.000.000.000.000 đồng.

Về quy trình bán đất, ông P.Đ.T, người đã tham gia mua đất, cho biết: “Người dân cứ truyền tai nhau thông tin bán đất, rồi lên UBND xã Tráng Liệt đăng ký, giá lô đất tự thỏa thuận, rồi nộp tiền cho UBND xã, thông qua Thủ quỹ của UBND”.

Điều đáng nói ở đây là chính quyền “ngang nhiên” bán đất công như: đất trường học, đất sân vận động, đất nông nghiệp, đất cạnh đường giao thông, đất ao đã được san lấp… Và để mua được những lô đất này, người dân đã phải bỏ ra từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để mua một lô đất tùy vào diện tích và vị trí lô đất. Thời điểm đó, ông Quách Văn Hưng là Chủ tịch xã Tráng Liệt (hiện nay là Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thị trấn Kẻ Sặt).

Tráng Liệt là tên tự của địa danh Kẻ Sặt. Xã Tráng Liệt có vị trí Tây Bắc huyện Bình Giang, có địa giới hành chính phía Bắc giáp Thị trấn Kẻ Sặt, xã Vĩnh Tuy; phía Nam giáp xã Ngọc Lâm (Mỹ Hào, Hưng Yên). Tổng diện tích đất tự nhiên là 206,33ha với dân số 5.403 người (số liệu năm 2017).

Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Tráng Liệt vào Thị trấn Kẻ Sặt.

Tiền bán đất đi về đâu?

Nhiều năm về trước, chính quyền xã Tráng Liệt đã bán nhiều vị trí đất công, thu tiền của dân, giao đất cho dân, họ đã xây dựng nhà ở kiên cố.

Sự việc “nổ” ra khi người dân đi làm Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không được. Lý do của việc này là những phần đất đó của người dân đang được cho là sai phạm về pháp luật đất đai.

Như nội dung người dân cung cấp, nhiều hộ dân đã nộp cho ông Trần Tuấn Hảo, Thủ quỹ UBND xã Tráng Liệt với lý do thu: Tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS cũ xã Tráng Liệt, với số hàng trăm triệu đồng của mỗi hộ cho từng đợt thu lần 1, 2, 3. Trong phiếu thu thì rõ từng đợt thu tiền tùy từng hộ gia đình nộp: Đợt 1 đề ngày 07/9/2012; đợt 2 vào ngày 08/6/2015; đợt 3 vào ngày 05/5/2014…

Phiếu thu ngày 0792012 với nội dung Phiếu tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS cũ xã Tráng Liệt (đợt 1, 2) do ông Trần Tuấn Hảo, Thủ quỹ UBND thu và ký.
Phiếu thu ngày 07/9/2012 với nội dung Phiếu tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS cũ xã Tráng Liệt (đợt 1, 2) do ông Trần Tuấn Hảo, Thủ quỹ UBND thu và ký.

Cùng với các Phiếu thu như trên, còn có các Giấy biên nhận do ông Trần Tuấn Hảo gửi ông Chủ tịch UBND xã và Ban Tài chính xã Tráng Liệt, có đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt.

Giấy Biên nhận đã thu Nộp tiền thanh lý đất công.
Giấy biên nhận đã thu tiền thanh lý đất công.

Sau khi bán đất công, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt lúc bấy giờ đã cấp cho người dân một tờ: Xác nhận quyền sử dụng đất, tại lô đất số 331, đường Âu Cơ, khu Hạ do chính ông Chủ tịch xã ký ngày 30/9/2007.

Như vậy, các lô đất tại Lô đất số 331 được “giao” cho người dân từ khi Trường THCS Tráng Liệt (được đưa vào sử dụng từ năm 1998 đến tháng 6/2012 mới chuyển sang trường mới là trường THCS Kẻ Sặt) còn đang hoạt động?

Giấy xác nhận Quyền sử dụng đất lại được ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND ký ngày 3092007.
Giấy xác nhận quyền sử dụng đất lại được ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND ký ngày 30/9/2007.

Đến khi một số hộ dân xây nhà, còn phải nộp 200.000 đồng phí môi trường xây dựng, thì tại sao UBND xã Tráng Liệt không biết và không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

Tại Kết luận Thanh tra số 08/KL – Sở TNMT ngày 31/10/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, tại Phụ lục Tổng hợp diện tích đất vi phạm trên địa bàn xã Tráng Liệt, đã khẳng định đất đối diện UBND xã là loại đất CDK (đất chuyên dùng khác – trường học, sân vận động) được giao không thu tiền.

Nhưng trong biên bản số 11, Tổng hợp xác định nguồn gốc, diện tích sử dụng đất của các hộ dân vi phạm đất đai theo Kết luận của Thanh tra Sở TNMT tỉnh, ngày 28/6/2018 của UBND xã Tráng Liệt do ông Quách Văn Hưng – Chủ tịch xã lúc bấy giờ ký, đã khẳng định các hộ dân tại thửa đất 331: Đang sử dụng đất tại thửa số 331; tờ bản đồ 01, bản đồ đo vẽ năm 2001 thể hiện là đất sân vận động do UBND xã quản lý tại khu Hạ. Đất của các hộ tại đây “không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự sử dụng”?

Trong 02 văn bản trên đã có sự bất nhất, Thanh tra Sở TN&MT thì “khẳng định đất đối diện UBND xã là loại đất CDK (đất chuyên dùng khác – trường học, sân vận động) được giao không thu tiền”. Còn ông Chủ tịch xã lại báo cáo người dân “không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự sử dụng”?.

Để làm rõ các thông tin phản ảnh trên, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND Thị trấn Kẻ Sặt. Ông Phạm Đỗ Lâm – Chủ tịch UBND Thị trấn Kẻ Sặt cho biết, do đây là vấn đề từ trước, chưa nắm bắt được vấn đề cụ thể, sẽ giao các phòng ban chuyên môn tìm hiểu và trả lời báo chí sau.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Bình Giang – ông Nguyễn Trung Kiên thì: Trước đó, năm 2018 Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cũng đã có thanh tra về những vấn đề đất đai liên quan đối của huyện, trong đó có những vấn đề liên quan tới xã Tráng Liệt (cũ) và chỉ ra nhiều sai phạm. Tuy nhiên, liên quan đến những vị trí đất được phản ánh lần này vẫn chưa được chỉ ra cụ thể bởi thời điểm đó người dân “không chịu hợp tác”. Hơn nữa, do vào giai đoạn đang thực hiện sáp nhập nên vẫn đề cũng bị gián đoạn. Huyện đang giao cho thị trấn Kẻ Sặt và các bên liên quan phối hợp tìm hiểu, xác minh xem có việc bán đất công hay không? Và số tiền bán được đi vào đâu? Sẽ giao Ủy ban kiểm tra Huyện ủy vào cuộc kiểm tra và thông tin cụ thể sau.

Nhiều năm qua, dù đã có Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết, khiến cho người dân bức xúc và dư luận đặt câu hỏi: Số tiền thu được từ việc bán đất đó sẽ vào đâu? Tại sao người dân bỏ tiền ra mua đất mà giờ không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Phải chăng có sự bao che, “chuyện để lâu hóa bùn” hay do năng lực của các cơ quan quản lý còn hạn chế như Kết luận số 08 – KL – Sở TNMT ngày 31/10/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã chỉ ra?.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu sẽ tiếp tục thông tin./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích