Bình Dương xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên 3 trụ cột: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp

(Xây dựng) – Đoàn công tác (nhóm 2) Ban Chỉ đạo Trung ương do ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bình Dương xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên 3 trụ cột: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với Bình Dương chiều 7/11.

Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tập trung làm rõ các nội dung: Quan điểm của tỉnh về sự phát triển, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ 1986 đến nay, tập trung 10 năm gần đây; Đánh giá của tỉnh về thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung từ năm 1986 đến nay.

Cụ thể hóa định hướng kinh tế thị trường

Báo cáo tại Hội nghị, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Quán triệt định hướng về kinh tế thị trường, Bình Dương đã triển khai đồng bộ các giải pháp và xây dựng mục tiêu cơ bản “đẩy mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;… Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Theo đó, thời gian qua kinh tế của Bình Dương phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Sau hơn 25 năm từ khi chia tách tỉnh từ tỉnh Sông Bé, đến cuối năm 2022 Bình Dương có tổng sản phẩm GRDP tăng lên 459.000 tỷ đồng, gấp hơn 117 lần so với năm 1997. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 14 lần, công nghiệp tăng 140,6 lần, dịch vụ tăng 152,5 lần; Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh giai đoạn 1997 – 2022 đạt 10,74%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 174 triệu đồng/người, gấp khoảng 30 lần so với năm 1997.

Năm 1997, toàn tỉnh có 06 khu công nghiệp, đến năm 2022 đã có hơn 40 khu, cụm công nghiệp (32 khu công nghiệp, trong đó 29 khu đi vào hoạt động và 12 cụm công nghiệp).

Trong giai đoạn 1997 – 2023, Bình Dương thu ngân sách tăng bình quân 18,9%/năm, ước năm 2023 thu ngân sách đạt 73.257 ngàn tỷ đồng, đảm bảo điều tiết 67% về ngân sách Trung ương. Chi ngân sách tăng bình quân 16,93%/năm, ước năm 2023 chi ngân sách đạt 33.235 ngàn tỷ đồng; Trong đó bố trí 50% thu ngân sách để chi cho đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, các dự án liên kết, kết nối vùng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, tránh tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.

Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Doanh nghiệp Nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn. Kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Đến nay, Bình Dương không còn doanh nghiệp nhà nước thuộc trường hợp phải cổ phần hóa. Còn 02 doanh nghiệp nhà nước và 01 doanh nghiệp có vốn Nhà nước là Công ty Xổ số (100% vốn điều lệ sở hữu Nhà nước), Tổng Công ty Becamex IDC (Nhà nước sở hữu 95,44% vốn điều lệ) và Công ty Thanh Lễ (Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ); Có 64.975 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 706 ngàn tỷ đồng (tương đương 29,5 tỷ đô la Mỹ); 4.192 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với 40 tỷ Đô la Mỹ; 222 tổ hợp tác và 237 hợp tác xã.

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực; Các dự án, nhiệm vụ giải pháp bảo vệ môi trường được tập trung, chủ động triển khai. Đến nay đã cơ bản tiến hành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý ước đến năm 2023 đạt 98,6%.

Bình Dương xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên 3 trụ cột: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp
Trước khi làm việc với Bình Dương, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương đã đi thăm quan thực tế tại: Nhà hát Mỹ Phước, Thành phố mới Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II, các dự án nhà ở xã hội Becamex, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Vườn ươm doanh nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam – Singapore, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ quá trình phát triển thực tế, Bình Dương rút ra bài học kinh nghiệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kiểu kinh tế thị trường mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Bởi sự lãnh đạo thống nhất và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cả hệ thống chính trị. Cùng đó là kết hợp, đoàn kết thống nhất trong Đảng, chính quyền và nhân dân không ngừng tìm tòi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt mọi khó khăn để thực hiện khát vọng vươn lên. Bên cạnh đó là kế thừa và phát huy một cách tốt nhất những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tạo thành sức mạnh tổng hợp phát huy lợi thế so sánh của địa phương.

Đặc biệt đề cao vai trò, lợi ích của nhân dân, vì nhân dân trong phát triển kinh tế theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển…

Qua quá trình phát triển, Bình Dương đã xây dựng mô hình phát triển dựa trên Ba trụ cột cơ bản là: Chính quyền kiến tạo – Nhân dân đồng hành – Doanh nghiệp hành động.

Để làm tốt chính quyền kiến tạo với nhiệm vụ định hướng, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, hình thành chính sách đặc thù của địa phương trên cơ sở hưởng ứng, tiếp thu các chủ trương của Trung ương. Chính quyền kêu gọi nhân dân đồng hành, tổ chức cho các doanh nghiệp hành động, huy động các nguồn lực phục vụ. Chính quyền kiến tạo bảo đảm phân phối công bằng các tài nguyên, chia sẻ cả thành công và thất bại với doanh nghiệp nhưng không làm thay cho doanh nghiệp.

Nhân dân đồng hành theo phân công xã hội và theo quy định pháp luật; Đồng hành cả khi khởi động cho đến kết thúc và chia sẻ, thụ hưởng mọi thành quả thành công hay thất bại. Do vậy, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ và quy tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

Đối với doanh nghiệp hành động, trong 25 năm phát triển, Bình Dương đã xây dựng được nhóm doanh nghiệp nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của tỉnh. Bên cạnh việc kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận như hàng nghìn doanh nghiệp khác, nhóm doanh nghiệp nòng cốt này đóng vai trò như một “con sếu đầu đàn” dẫn dắt và tạo nền tảng để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có điều kiện để thực hiện các định hướng phát triển của mình tại Bình Dương.

Ông Minh cho biết, mô hình Ba trụ cột của Bình Dương tuy không mới, nhưng lại rất hiện đại, vừa đảm bảo theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn đảm bảo được định hướng theo chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh và quốc gia.

Bình Dương xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên 3 trụ cột: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương thăm quan thực tế tại Bình Dương.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương cũng kiến nghị Trung ương tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn của hệ thống pháp luật. Nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa từng cấp, từng ngành để chính quyền địa phương chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền. Tiếp tục thực hiện chính sách về khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công. Có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng… để thu hút mọi nguồn lực của xã hội, khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư….

Ban Chỉ đạo tổng kết báo cáo Bộ Chính trị xem xét cân đối, bổ sung thêm biên chế công chức cho tỉnh Bình Dương phù hợp các tiêu chí về dân số, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, thu nộp ngân sách, mức độ đô thị hóa… nhằm tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của Bình Dương về phát triển kinh tế trong suốt thời gian qua, là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, dịch vụ; Xây dựng khu công nghiệp sinh thái, thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo. Bình Dương đã học hỏi mô hình từ Singapore nhưng vận dụng sáng tạo vào Bình Dương cho phù hợp. Đồng thời có sự tham gia tích cực từ doanh nghiệp Nhà nước, đứng đầu là Tổng Công ty Becamex IDC đã xây dựng hệ sinh thái Becamex, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế thị trường.

Những thành tựu to lớn của Bình Dương, đã có những đóng góp không nhỏ góp phần hoàn thiện về lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong 40 năm qua. Qua đó để Đảng hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích